1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thuốc nhái: SOS!

Các doanh nghiệp dược có sản phẩm bán chạy đang đau đầu bởi tình trạng hàng nhái xuất hiện càng ngày càng nhiều. Người bệnh thì hoang mang khi dù đã bỏ ra một khoản tiền lớn nhưng vẫn không thể chắc chắn về nguồn gốc thuốc.

Tháng 4/2004, Công ty Gedeon Richter đã khởi kiện Công ty CP Dược - vật tư y tế Bình Dương (Bipharco) và Công ty TNHH DP Trung Nam (P.25, Q.Bình Thạnh) vì tung ra loại thuốc ngừa thai khẩn cấp Posinight 2 có hình hoa hồng với thiết kế mẫu mã tương tự Postinor 2 của công ty này.

 

Ngày 29/3/2006, Tòa án nhân dân TPHCM xử sơ thẩm với phán quyết: Bipharco và Trung Nam có “hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, hai công ty bị kiện phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Gedeon Richter 46.000 USD. Tòa còn phán quyết thu hồi, tiêu hủy toàn bộ nhãn thuốc có hình hoa hồng.

 

Có lẽ đây là vụ án đầu tiên về “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” trong lĩnh vực dược được đưa ra xét xử tại TPHCM. Ông Tamás Ritter - giám đốc Công ty Gedeon Richter - cho biết những sản phẩm nhái gây thiệt hại rất lớn cho các công ty có sản phẩm nổi tiếng.

 

Trong 15 năm qua, hành vi vi phạm sở hữu hàng hóa trong nhiều sản phẩm đã gây thiệt hại cho Công ty Gedeon Richter khoảng 2 triệu USD. Ông Tamás Ritter còn nói: “Chúng tôi đang chuẩn bị các hồ sơ cần thiết để sau khi Luật sở hữu trí tuệ VN có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, sẽ có yêu cầu bồi thường tương tự đối với ba công ty dược VN khác cũng đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà Cục Sở hữu trí tuệ đã kết luận”.

 

Vụ gần đây nhất là Công ty liên doanh Meyer - BPC (Bến Tre) sản xuất thuốc Sorbitol (được Cục Quản lý dược (QLD) cấp số đăng ký (SĐK): VNB-4261-05) có bao bì tương tự, gây nhầm lẫn với bao bì Sorbitol Delalane của Công ty Sanofi - Aventis.

 

Ngày 23/1/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã có thẩm định đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa. Căn cứ kết quả này, ngày 17/3/2006, Cục QLD yêu cầu Công ty Meyer - BPC ngừng ngay việc sản xuất thuốc mang nhãn hiệu Sorbitol với hình thức bao bì có mang các yếu tố vi phạm. Ngày 1/3/2006 Meyer - BPC cũng đã gửi công văn cho Sanofi - Aventis cam kết sẽ chấm dứt ngay việc sử dụng mẫu bao bì thuốc gói Sorbitol gây nhầm lẫn và toàn bộ thành phẩm đã đưa ra thị trường sẽ cố gắng tiêu thụ nhanh chóng trong vòng bốn tháng tính từ ngày 28/2/2006.

 

Điên đầu với hàng nhái

 

Hiện nay, nhiều đơn vị đang điên đầu với những sản phẩm nhái. Công ty Sanofi - Aventis đã phải thành lập một phòng chuyên theo dõi sản phẩm “dễ gây nhầm lẫn” để đi khiếu nại và từ đầu năm 2006 đến nay đã xử lý bốn trường hợp. Có đơn vị sau khi được thương thuyết nhiều lần đã tự sửa, nhưng có đơn vị thách thức: “Cứ đi khiếu nại đi, chừng nào có kết quả giám định của Cục Sở hữu trí tuệ thì chúng tôi sửa!”.

 

Trong thực tế, hàng nhái đang là hiện tượng khá phổ biến. Sản phẩm Sorbitol 5g là sản phẩm cực kỳ dễ làm: chỉ mua nguyên liệu về, đóng gói là xong, nên có đến năm đơn vị làm nhái từ bao bì hộp đến gói bên trong. Có công ty làm hàng nhái, Cục Quản lý dược yêu cầu thay đổi mẫu mã, ba tháng sau cục cấp số đăng ký cho mẫu mới... tiếp tục nhái.

 

Thuốc Nautamine, Primperan bị bốn công ty làm nhái; hộp Calium corbiere bị đến sáu công ty nhái, khi bị khiếu nại và sửa mẫu mã đến lần thứ ba vẫn là... nhái! Có đến 30 công ty dược VN khắp các tỉnh thành nhái mẫu mã của Sanofi, bao gồm từ công ty sản xuất dược cấp quận đến TP và cả công ty khá nổi tiếng của trung ương. Một số trường hợp khiếu nại nhiều lần mà không hiệu quả nên công ty bị xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa đành phải tự thay mẫu mới.

 

Nạn “ăn cắp” tài sản trí tuệ, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa trong lĩnh vực dược đã đến mức báo động. Về phía cơ quan quản lý gọi là “hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, nhưng về phía người bệnh thì phải trả giá không nhỏ cho sự nhầm lẫn khi mua thuốc.            

 

Theo Kim Sơn

Tuổi Trẻ