Thừa Thiên Huế đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân 30 năm tái lập tỉnh
(Dân trí) - Sáng 17/8 tại TP Huế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế (1/7/1989-1/7/2019).
Đến tham dự lễ có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ TT,VH&DL; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, UBMTTQ Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - ông Lê Trường Lưu, để đáp ứng yêu cầu phát triển sau giải phóng, chủ trương hợp nhất các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh đã được Bộ Chính trị ra nghị quyết 245 từ ngày 20/9/1975 và vào ngày 1/5/1976, UBND tỉnh Bình Trị Thiên đã công bố ra mắt trước nhân dân trong tỉnh tại quảng trường Phu Văn Lâu.
14 năm trong tỉnh hợp nhất Bình Trị Thiên (1976 - 1989), với tinh thần “vì cả nước, với cả nước”, cán bộ, quân và dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói riêng và toàn tỉnh Bình Trị Thiên nói chung đã tập trung khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, tìm tòi các bước đi thích hợp, vượt qua khó khăn của thời kỳ bao cấp, vừa cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa.
Ngày 30/6/1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính, theo đó, chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Kể từ ngày 01/7/1989, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức được tái lập, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dựng xây và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
30 năm đã qua kể từ ngày tái lập là 30 năm nỗ lực kiên trì và phấn đấu không ngừng nghỉ với nhiều thuận lợi đồng hành nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt; Cơn đại hồng thủy năm 1999 đã cuốn đi nhiều thành quả, chỉ trong phút chốc, nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà bị kéo lùi nhiều năm, có những việc phải làm lại từ đầu.
30 năm từ ngày tái lập tỉnh, Thừa Thiên Huế đã có nhiều tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững
Nền kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay đã từng bước tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, giáo dục, y tế và các dịch vụ du lịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1989 - 2018 là 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 7 lần (theo giá so sánh 2010). Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 gấp 81,6 lần so với năm 1990. Thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 7.800 tỷ đồng. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chiếm 55,7% trong GRDP, đóng vai trò chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Du lịch phát triển khá nhanh cả về quy mô và chất lượng, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả. Công tác thu hút đầu tư đã có nhiều chuyển biến, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn hàng đầu có thương hiệu đã bắt đầu tập trung về Thừa Thiên Huế. Giai đoạn 2009 - 2018 đã thu hút 387 dự án với tổng vốn đăng ký 100 nghìn tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi lễ
Đặc biệt, đã tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối, chấm dứt tình trạng chia cắt giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng, ven biển. Tỷ lệ dân số thành thị được cấp nước sạch đạt 97%. Có 99% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt trên 80%).
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Thừa Thiên Huế - vùng đất chiến lược từng là “phên dậu thứ tư về phương Nam” của Đại Việt, nơi “đô hội lớn của một phương”; từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của đất nước dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều Nguyễn; là miền đất địa linh nhân kiệt gắn liền với những tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc; là nơi góp phần hình thành nhân cách đạo đức, tư tưởng yêu nước và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo
Năm 1945, Thừa Thiên Huế được vinh dự thay mặt cho cả nước tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại, chấm dứt vĩnh viễn sự thống trị hàng ngàn năm của chế độ phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế cũng đã sớm được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cờ luân lưu “Quyết chiến quyết thắng” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Viết tiếp những trang sử hào hùng đấu tranh cách mạng, Thừa Thiên Huế là một trong ba ngọn cờ đầu của miền Nam chống Mỹ, được Chính phủ tặng danh hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.
Từ sau ngày tái lập tỉnh (1/7/1989), phát huy truyền thống anh dũng, tự lực, tự cường, có thể thấy Thừa Thiên Huế đã vững bước đi lên và đạt được những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nền kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng cao, trở thành vùng kinh tế động lực của miền Trung. Thành phố Huế - thành phố Festival với thành công của 10 kỳ lễ hội đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè cả nước và du khách quốc tế. Đại học Huế tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đã và đang góp phần đắc lực đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước. Bệnh viện Trung ương Huế là Bệnh viện hạng đặc biệt, đang ngày càng phát huy vai trò hạt nhân.
Thành phố Huế - thành phố Festival với thành công của 10 kỳ lễ hội trong 20 năm qua đã là "thương hiệu" của cả nước
“Hôm nay, Thừa Thiên Huế tiếp tục vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất một lần nữa. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích xuất sắc của đồng bào và các đồng chí trong quá trình dựng xây và phát triển” – Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện nghi thức trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc Hội, tinh thần làm nên một Thừa Thiên Huế anh hùng ngày nay phải được thể hiện ở sự đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo để xây dựng Thừa Thiên Huế thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh. Bảy nhiệm vụ mà Chủ tịch Quốc hội đặt ra cho tỉnh là:
Tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức; Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng;
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế; Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tập trung xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa, Du lịch đặc sắc của khu vực và cả nước; Trung tâm Giáo dục - Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Trung tâm Y tế chuyên sâu; Trung tâm Khoa học và Công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước…
Thừa Thiên Huế sẽ phải phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Toàn tỉnh sẽ được tập trung xây dựng là Trung tâm Văn hóa, Du lịch đặc sắc của khu vực và cả nước; Trung tâm Giáo dục - Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Trung tâm Y tế chuyên sâu; Trung tâm Khoa học và Công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước…
Đại Dương