Thủ tướng lưu ý về phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực chứng khoán
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp ngành quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.
Ngày 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022. Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội quý I, các ý kiến đánh giá, hầu hết các lĩnh vực đều khởi sắc, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,92%; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.
GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%). Thu ngân sách Nhà nước 460,6 nghìn tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ; chi ngân sách nhà nước 351,3 nghìn tỷ, đạt 23,4% dự toán.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp quý I tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 7,07%. Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, đặc biệt sôi động trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó tháng 3 tăng 9,4%.
Chuỗi cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước dần phục hồi. Hoạt động du lịch trên cả nước có dấu hiệu "ấm" trở lại, khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 66,73 tỷ USD (tăng 36,8%); trong đó xuất khẩu tăng 45,5%. Quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 176,35 tỷ USD (tăng 14,4%), trong đó xuất khẩu tăng 12,9%, từ nhập siêu 1,96 tỷ USD tính đến hết tháng 2 chuyển sang xuất siêu 809 triệu USD trong quý I. Nhập khẩu chủ yếu là hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường đạt kỷ lục (60.000 doanh nghiệp), gấp 3 lần cùng kỳ. "Đây là dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh. Việt Nam cũng triển khai tốt công tác bảo hộ công dân, cơ bản hoàn thành công tác đưa người Việt Nam từ Ukraine về nước theo nhu cầu.
Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm một số nội dung. Theo Thủ tướng, trước hết, cần tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ.
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cùng các cơ quan liên quan được giao phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng lưu ý, phải kiểm soát được dịch bệnh, các Bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng, chủ động, tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo, kết luận của Trung ương, lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Nghị quyết 128.
Cùng với đó, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh….
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA. Ông đặc biệt nêu rõ, đầu tư công dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư.
Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các Bộ, ngành phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó với những ảnh hưởng, tác động bởi xung đột tại Ukraine, báo cáo cấp có thẩm quyền khi cần thiết; chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu là quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung.