Bến Tre:
Thủ tướng: Không để người dân thiếu nước sinh hoạt
(Dân trí) - Chiều 8/3, làm việc với nhiều tỉnh ĐBSCL về công tác ứng phó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng chỉ đạo, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách.
Tại buổi làm việc với các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang và Cà Mau (tại Bến Tre), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, xâm nhập mặn ở ĐBSCL xuất hiện sớm so với mùa khô năm 2015 – 2016, ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong đó, sản xuất nông nghiệp, toàn vùng đã xuống giống 1,54 triệu ha lúa Đông Xuân, đã thu hoạch khoảng 1 triệu ha. Thiệt hại do hạn, mặn khoảng 39.000 ha, chiếm 1,2% tổng diện tích gieo sạ và bằng 9,6% so với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016.
Đối với nước sinh hoạt, toàn vùng có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn. các hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt đang được các địa phương tăng cường giải pháp để cung cấp đủ nước.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã có kế hoạch chủ động ứng phó với hạn, mặn bằng các biện pháp công trình, phi công trình nhằm hạn chế thiệt hại như: đẩy mạnh xây dựng, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi; chuyển dịch mùa vụ nhằm né mặn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bảo vệ diện tích cây ăn quả; trang bị hệ thống máy lọc, mở rộng mạng lưới đường ống nước; tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin xâm nhập mặn đến người dân...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tỉnh đã chủ động sáng tạo, năng động thực hiện các giải pháp cụ thể để ứng phó, thực hiện nghiêm túc chỉ thị 04, kết luận của Thủ tướng. Vì vậy, thiệt hại về cây lúa không đáng kể, hạn mặn cao hơn nhưng thiệt hại chỉ bằng 9,6% so với năm 2016.
Trước thách thức lớn, khốc liệt của biến đổi khí hậu, thay đổi thượng nguồn thì việc áp dụng động bộ của giải pháp cứng, giải pháp mềm nên chúng ta đã biến thách thức thành cơ hội, việc chuyển sản xuất lúa sớm giúp được mùa, được giá. Đối với 5 công trình kiểm soát lớn kịp hoàn thành góp phần tích cực; hàng loạt đập tạm, giếng đào, kênh mương đã giải quyết kịp thời nước sản xuất, sinh hoạt cho nhiều vùng, địa phương giải quyết nước ngọt cho nhân dân.
Ngoài ra, chủ trương chiến lược của Nghị quyết 120 với châu thổ đã chứng minh khá rõ trong điều kiện thử thách khắc nghiệt năm 2020 của nhiều địa phương, trong đó có Bến Tre. Vùng này giáp biển, xâm nhập mặn tứ bề nhưng đã định hình rõ đến năm 2023 tỉnh Bến Tre cơ bản chủ động nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đời sống; cơ bản được ngọt hóa. Đây là nỗ lực rất lớn của đảng bộ, chính quyền của Bến Tre và nhiều tỉnh khác trong khu vực.
Từ tình hình đó, các địa phương thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học công nghệ để chuyển dịch ở địa phương phù hợp với hoàn cảnh. Diện tích lúa, thủy sản, trái cây cần quy hoạch cho rõ hơn.
Đối với các kiện nghị của theo dự báo xâm nhập mặn ĐBSCL còn diễn biến phức tạp; các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp để không để người dân thiếu nước sinh hoạt, nhất là đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách.
Nguyễn Hành