Thủ tướng giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành để thúc đẩy sản xuất kinh doanh
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, từng ngành để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong tháng 3 và thời gian tới.
Ngày 3/3, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình quốc tế còn phức tạp, khó lường, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi và áp lực điều hành kinh tế vĩ mô rất lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; các bộ ngành, địa phương cần chủ động bám sát, nắm chắc, phân tích, đánh giá tình hình, có các giải pháp phù hợp để điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động triển khai các công việc trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 và Chỉ thị 03.
Thủ tướng đã nêu rõ các nhiệm vụ nhiệm vụ trọng tâm, mà trước hết là tập trung cho công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn ngân sách năm 2023, cùng với đó tập trung rà soát, thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng quy định nhưng không được ách tắc.
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, từng ngành, đặc biệt đối với Ngân hàng Nhà nước Thủ tướng lưu ý: "Đối với Ngân hàng Nhà nước thì thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn chủ động linh hoạt hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý có trọng tâm trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Cái thứ hai là nghiên cứu và tổ chức thực hiện chỉ đạo làm sao để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn và tăng trưởng tín dụng, dòng vốn là phải đi vào các động lực tăng trưởng, các lĩnh vực ưu tiên mà chúng ta đã xác định; khơi thông lệ thị trường liên ngân hàng để nghiên cứu về cái lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát của ta; tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém và hạn chế nợ xấu, phát sinh mới có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Các nhiệm vụ của Ngân hàng rất nặng nề trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vừa phải theo dõi lãi suất của Fed, các đồng tiền mặt mà chúng ta phải sử dụng thanh toán trên thế giới vừa không mất giá đồng tiền đây là bài toán rất khó."
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chăm lo đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.
Thủ tướng lưu ý các địa phương tập trung thực hiện tốt 5 công tác: Quy hoạch; giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn; triển khai các chương trình mục tiêu; xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.
Kinh tế xã hội trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định, nhiều mặt phát triển với các điểm sáng; Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm thu NSNN 02 tháng đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ; An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Lạm phát có dấu hiệu giảm; Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất được điểu chỉnh giảm; Tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt mốc 50 điểm, tăng từ 47,4 trong tháng 01 lên 51,2 điểm trong tháng 02 thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.