Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 50 năm lực lượng Cảnh sát cơ động
(Dân trí) - Với những thành tích vẻ vang, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai
Sáng 14/4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (15/4/1974-15/4/2024). Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Với những thành tích vẻ vang, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết, lực lượng CSCĐ ra đời trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn cam go, ác liệt.
Lực lượng CSCĐ đã cùng với quân, dân cả nước và lực lượng công an nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu góp phần đập tan mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch.
"Trong cuộc chiến đấu đầy cam go, quyết liệt đó, cán bộ, chiến sĩ CSCĐ đã không quản ngại hiểm nguy, kịp thời có mặt ở những khu vực bom, đạn ác liệt nhất để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân", Thiếu tướng Châu nói.
Ông Châu cho biết, trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, lực lượng CSCĐ đã bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình, triển khai phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, chuyến hàng đặc biệt…
Bên cạnh đó, Cảnh sát cơ động còn đấu tranh triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn về hình sự, ma túy, kinh tế, buôn lậu.
Các chiến sĩ còn tham gia tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự ở các tuyến, địa bàn phức tạp. Điển hình như: Vụ biểu tình, bạo loạn chính trị tại Tây Nguyên (các năm 2001, 2004), tại Mường Nhé, Điện Biên (năm 2011), tại Mường Tè, Lai Châu năm 2020; các vụ tập trung đông người, gây rồi an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Nghệ An, Hà Tĩnh (vào các năm 2014, 2016, 2017)…
Đặc biệt, năm 2023, lực lượng CSCĐ đã phối hợp cùng với các đơn vị của Bộ Công an và công an địa phương kịp thời truy xét, bắt giữ toàn bộ nhóm khủng bố, thu giữ nhiều vũ khí, vật liệu nổ tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
"Để có những chiến công đặc biệt đó, trong nửa thế kỷ qua, đã có 64 cán bộ chiến sĩ cảnh sát bảo vệ, cảnh sát cơ động anh dũng hy sinh; nhiều đồng chí đã để lại một phần xương máu tại chiến trường; bị nhiễm chất độc màu da cam, sốt rét ác tính để lại di chứng suốt đời", Thiếu tướng Châu nói.
Tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc (Thứ trưởng Bộ Công an) bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ dành cho lực lượng CAND.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND, ông Ngọc hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích, chiến công xuất sắc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát cơ động trong 50 năm qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, đất nước ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Ông lưu ý, trong nước, an ninh chính trị, trật tự xã hội tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định; hoạt động tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp; các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, phá hoại, khủng bố chống lại Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên của nhân dân ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, lực lượng Cảnh sát cơ động phải thực sự tinh nhuệ, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, vũ khí hiện đại; không ngừng đổi mới tư duy, hành động, kỹ chiến thuật; huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện thật tốt nhiệm vụ; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; tạo môi trường hòa bình, an ninh, trật tự, kỷ cương để phát triển đất nước.