Thủ tướng: Chưa lường hết khó khăn khi cách ly xã hội toàn TPHCM
(Dân trí) - Thủ tướng nhấn mạnh, diễn biến dịch tại TPHCM còn phức tạp, khó lường, các ca lây nhiễm có thể tăng lên, còn các ổ dịch tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu không có giải pháp tốt dễ dẫn đến vấn đề phức tạp.
Ngày 15/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 27 tỉnh, thành khu vực phía nam từ Phú Yên đến Cà Mau về những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong phòng chống dịch Covid-19 trước bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các địa phương này tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tận dụng "giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng"
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhắc lại cảnh báo, số ca lây nhiễm sẽ tăng mạnh trong những ngày tới. Vì vậy, các địa phương phải rà soát lại, tiết kiệm chi tiêu, chuẩn bị nguồn quỹ để chủ động mua đầy đủ sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị điều trị, chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích, trước tình hình dịch tăng mạnh, lan rộng hiện tại, giải pháp chống dịch cần theo 2 mũi. Mũi thứ nhất là giữ thật chặt các "vùng xanh" còn an toàn và nếu giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm. Mũi thứ hai là truy vết, xét nghiệm, nhanh chóng bóc ngay F0 ra khỏi các ổ dịch, làm sạch địa bàn, giảm mức độ nguy cơ dịch bệnh để "vùng đỏ" dần thành "vùng xanh".
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần tận dụng "giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng" để thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn.
Đồng tình với nhận định, những ngày tới, tình hình dịch tại TPHCM, ĐBSCL, Đông Nam Bộ và một số tỉnh duyên hải miền Trung có thể phức tạp hơn, Thủ tướng lưu ý, tập trung cứu chữa các bệnh nhân để hạn chế tối đa tử vong, không để nhân dân thiếu ăn, thiếu mặc.
Ghi nhận những nỗ lực của TPHCM và các địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương nhưng người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như có nơi, có lúc chưa bám sát diễn biến tình hình, chưa dự báo, lường hết được những khó khăn, đặc biệt là sự lây lan nhanh của biến chủng virus mới; có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, thậm chí bất ngờ. Những điều này khiến kết quả phòng chống dịch tại một số địa phương chưa cao, chưa được như mong muốn.
Thủ tướng cũng đánh giá, việc thực hiện Chỉ thị 16 chưa lường hết được những khó khăn và khả năng đáp ứng của các địa phương nên xảy ra cục bộ một số vấn đề. Thủ tướng đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cấp, các ngành phải phân tích, mổ xẻ nghiêm túc, kịp thời khắc phục những hạn chế nói trên để làm tốt hơn.
"Diễn biến dịch tại TPHCM sắp tới còn phức tạp, khó lường, các ca lây nhiễm có thể tăng lên. Còn các ổ dịch tiềm ẩn, chưa phát hiện hết trong cộng đồng. Nếu không có giải pháp tốt thì dễ xảy ra vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Việc thực hiện Chỉ thị 16 nếu không nghiêm dễ dẫn tới chủ quan và gây ra hậu quả nặng nề hơn. Đời sống, sinh hoạt của một bộ phận nhân dân trong khu vực cách ly có thể bị tác động cả về vật chất và tinh thần" - lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xác định các vấn đề này để chuẩn bị tốt hơn.
Cắt giảm chi tiêu để trang bị chống dịch, mua vắc xin
Thủ tướng nêu rõ 6 mục tiêu trong thời gian tới: Quyết tâm ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh tại TPHCM và khu vực phía Nam; Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân là trên hết; Tập trung cứu chữa các ca bệnh, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; Giữ vững tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an sinh xã hội trong bất cứ hoàn cảnh nào; Kiểm soát chặt chẽ biên giới và các khu cách ly, phong tỏa; Nhanh chóng ổn định tình hình để nhân dân trở lại sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường; Bảo vệ vững chắc các nhà máy, khu công nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu và toàn quốc.
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ tinh thần nhất quán chống dịch như chống giặc, tích cực, hiệu quả hơn nữa trong chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Trong đó, lấy phòng dịch là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định.
Với TPHCM và các tỉnh có diễn biến dịch bệnh phức tạp lúc này, ưu tiên số 1 là tập trung phòng chống dịch hiệu quả nhưng không bỏ qua những cơ hội tận dụng được để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nguyên tắc là chỉ những nơi nào đủ điều kiện an toàn mới đẩy mạnh hoạt động kinh tế.
Giải pháp triển khai, Thủ tướng đề cập trước hết việc tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm của các Ban chỉ đạo chống dịch. Yêu cầu người đứng đầu Chính phủ đề ra là các Ban chỉ đạo có đủ dũng cảm, có đủ khả năng quyết định những vấn đề có tính chất đột phá, đột xuất, bất ngờ.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương thành lập ngay các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng, tổ tình nguyện để hỗ trợ người dân mọi lúc, mọi nơi, mọi vấn đề.
Cấp ủy, chính quyền thì phải bám sát, nắm chắc, dự báo đúng tình hình để chỉ đạo quyết liệt và quyết định các biện pháp phù hợp. "Khi nào quyết định áp dụng biện pháp gì, ở đâu, bao lâu phải rất cụ thể. Khi đã quyết định thì phải chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện thật nghiêm, kiểm tra giám sát thật chặt chẽ, không được buông lỏng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông nhắc nhở, càng khó khăn, càng phức tạp, càng nhạy cảm, càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe để đưa ra quyết định phù hợp với tình hình, hợp lòng dân, có tính khả thi cao, hiệu quả rõ rệt. Từ đó, bổ sung các biện pháp phù hợp với thực tế, có hiệu quả, kể cả các biện pháp cao hơn quy định của Trung ương, Bộ Y tế.
Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản, phương án cao nhất cho tình hình diễn biến xấu hơn, không để bị động, lúng túng; cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết để tập trung cho phòng, chống dịch, mua trang thiết bị, bồi dưỡng cho lực lượng chống dịch tuyến đầu, tập trung cho mua vắc xin.