Thủ tướng: Cần gỡ bỏ “sợi dây” cho sự sáng tạo được bay bổng!

Bài: Phương Thảo Ảnh: Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trao đổi với các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ông sẽ nỗ lực với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ những vướng mắc, trói buộc hiện nay...

Thông tin tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ chiều 30/7/2020, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết, kỷ niệm 90 năm thành lập ngành tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị tôn vinh hơn 200 trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu (diễn ra trong 2 ngày, 30-31/7/2020).

Trong số các đại biểu được lựa chọn tham gia hội nghị đại diện cho 6,5 triệu trí thức, văn nghệ sĩ có 12 đại biểu đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, 16 đại biểu nhận giải thưởng nhà nước, nhiều đại biểu được ghi nhận tại các giải thưởng quốc tế…

Thủ tướng: Cần gỡ bỏ “sợi dây” cho sự sáng tạo được bay bổng! - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập ngành Tuyên giáo.

Sao để Giáo sư, Tiến sĩ không phải chạy lo cơm áo

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, GS.TS Nguyễn Trung Việt (Đại học Thủy lợi) đóng góp nhiều ý kiến với Thủ tướng về những khó khăn, thách thức với việc phát triển đội ngũ trí thức, nhà khoa học công nghệ tại Việt Nam hiện nay.

Ông bày tỏ tâm tư, thực tế, dù đã có chủ trương “khoán” nghiên cứu khoa học tới sản phẩm cuối cùng nhưng việc nghiên cứu các đề tài vẫn phải bám theo các định mức chi tiêu, tạo nên những gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cho các nhà khoa học.

GS.TS Nguyễn Trung Việt đề xuất, cần xác định ngành khoa học mũi nhọn của Việt Nam trong vòng 20-30 năm. Việt Nam nên đi bằng cả 2 chân, một chân dựa trên những thế mạnh truyền thống như phát triển nông nghiệp cao, một chân đi trước, đón đầu các ngành công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI)…

Một dẫn chứng ông Việt nêu ra về việc phát huy thế mạnh phối hợp với công nghệ mới là vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, áp dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo, giải quyết sự cố thiên tai, ứng dụng vào đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL thành công.

Vị đại diện của trường Thủy lợi cũng mong nhà nước tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ dám dấn thân. Theo đó, các viện nghiên cứu, trường đại học phải thực sự là vườn ươm công nghệ cao, môi trường đổi mới sáng tạo.

Chính sách hỗ trợ đào tạo giới khoa học, theo GS.TS nguyễn Trung Việt, nên thay đổi, thay vì hỗ trợ sinh viên thì cần tập trung vào những ngành mũi nhọn để thu hút các nhà khoa học vào lĩnh vực đó. Một khi có cơ sở đào tạo tốt, đảm bảo việc làm sau đào tạo thì sau đó không cần lo gì cho sản phẩm đầu ra nữa. Đó chính là việc đưa nghiên cứu, đào tạo gần hơn với nhu cầu cuộc sống.

Thủ tướng: Cần gỡ bỏ “sợi dây” cho sự sáng tạo được bay bổng! - 2

Đại diện các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng.

Chia sẻ ý kiến này, Giáo sư Nguyễn Đình Long nhận xét, vướng mắc nhất của công tác nghiên cứu khoa học hiện nay là ở cơ chế.

“Việt Nam đã tạo được loại gạo ngon nhất thế giới nhưng thực tế chỉ xuất được vài ba tấn trong khi để kết quả nghiên cứu đó tạo được thành giá trị thương mại phải xuất được hàng triệu tấn. Nền nông nghiệp vốn được xác định là thế mạnh, là trụ đỡ của nền kinh tế, như vậy, cần phải là nông nghiệp công nghệ cao, phải là chuỗi các giá trị. Nhưng thực tế, chúng ta nói nhiều đến liên kết 4 nhà mà mãi vẫn chưa phát huy được” – ông… quả quyết, nếu áp dụng được khoa học công nghệ, có thể giúp đưa xuất khẩu nông sản Việt Nam không chỉ ở mức 40 -42 tỷ USD mà phải là 400 tỷ USD, với yêu cầu không được để xuất thô các sản phẩm, từ lúa gạo tới cà phê.

Đại biểu kêu gọi, không để các Giáo sư, Tiến sĩ phải chạy lo cơm áo gạo tiền, chạy lo thủ tục tài chính nữa. Nhiều thế hệ trí thức, nhà khoa học đã và đang bức xúc vì cơ chế trói buộc như vậy.

Ông trình bày, giới trí thức, khoa học mong được tháo gỡ cơ chế, được tự chủ thật sự, chứ không phải tự chủ mà “đất đai không quyết được, lương thưởng không quyết được, kinh phí nghiên cứu cũng không quyết được”.

“Quyết không thể là dân tộc nghèo”

Thủ tướng: Cần gỡ bỏ “sợi dây” cho sự sáng tạo được bay bổng! - 3
Thủ tướng: "Trong thế kỷ 21, chính con người và tri thức mới là thứ tài nguyên quý giá, quan trọng nhất để tạo nên giá trị của một dân tộc".

Phát biểu trao đổi với các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đã ghi cụ thể các kiến nghị để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học, để có định hướng chính sách tốt hơn cho phát triển khoa học công nghệ.

Thủ tướng khái quát, năm nay, Việt Nam đang phấn đấu đứng thứ nhất, thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo. Dù giá trị xuất khẩu của ngành chưa đạt mức 40-42 tỷ USD nhưng cũng đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đặt mục tiêu phấn đấu, hướng tới mốc xuất khẩu 400 tỷ USD.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn trân trọng và tạo điều kiện cho khoa học, nghệ thuật phát triển. Đã có nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để thúc đẩy quá trình phát triển sáng tạo gắn với tinh thần trách nhiệm xã hội của giới trí thức, khoa học và văn nghệ sĩ. Chính phủ có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ cho sự phát triển này.

Thủ tướng lưu ý, trong xu thế toàn cầu hóa, cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đã tạo nên sự thay đổi toàn diện với thế giới. Trong thế kỷ 21, không phải tài nguyên, nguồn lực đất đai… mà chính con người và tri thức mới là thứ tài nguyên quý giá, quan trọng nhất để tạo nên giá trị của một dân tộc.

Theo đó, Thủ tướng nhận định, cần gỡ bỏ "sợi dây" để sự sáng tạo được bay bổng. Đây chính là ý nghĩa quan trọng nhất cần hướng tới nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập ngành Tuyên giáo.

Nêu thực tế, hạn chế của giới trí thức, nhà hoa học và văn nghệ sĩ Việt Nam hiện vẫn thiếu những trí thức đầu ngành, những người chủ trì các dự án nghiên cứu lớn của nhà nước, Thủ tướng khẳng định ông sẽ tiếp tục trao đổi để sao có được đội ngũ trí thức đầu ngành của đất nước.

Thủ tướng: Cần gỡ bỏ “sợi dây” cho sự sáng tạo được bay bổng! - 4
Thủ tướng tặng quà, ghi nhận những đóng góp của giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ với công cuộc phát triển đất nước.

Nhấn mạnh những kỳ vọng đặt vào “giới tinh hoa” của đất nước là hơn 200 người được lựa chọn, tôn vinh dịp này, Thủ tướng mong giới trí thức, nhà khoa học và các văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho khát vọng “Việt Nam hùng cường”, với tinh thần yêu nước mãnh liệt.

Thủ tướng cũng nêu vấn đề, trong một thế giới phẳng, thách thức đặt ra chính là sự giữ gìn, bảo tồn, phát triển nền văn hóa của dân tộc, hội nhập chứ không hòa tan bởi quá trình hội nhập có nguy cơ làm phai nhạt bản chất văn hóa dân tộc. Các nghệ sĩ cần phải biết cách tryền cảm hứng, khơi gợi trong giới trẻ ý thức về cội nguồn, về tổ tiên, về khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

“Một dân tộc giàu chưa hẳn là dân tộc mạnh, một dân tộc mạnh phải có sức sống trường tồn nhưng muốn trường tồn phải là một dân tộc mạnh, giàu. Dân tộc đó quyết không để thế giới coi thường vì bạc nhược, quyết không thể là một dân tộc nghèo. Tôi mong giới trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ cùng chung tay xây dựng Việt Nam vì mục tiêu này” – Thủ tướng đề ra mục tiêu, trong dịp kỷ niệm 10 năm sau (kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, 100 năm thành lập ngành Tuyên giáo – PV), những thành tựu “giới tinh hoa” đạt được sẽ đột phá hơn nữa, giúp đất nước phát triển hưng thịnh.