Thu được 1.800 tỷ đồng từ việc nhà nước rút vốn khỏi các doanh nghiệp
(Dân trí) - Báo cáo về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ nêu con số này như một kết quả tích cực trong nhiệm vụ quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội đề cập trước hết vấn đềhoàn thiện cơ chế, chính sách, giúp việc quản lý, sử dụng vốn tại DNNN bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là vướng mắc trong việc xây dựng phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Chính phủ cho biết, năm 2019 đã có 12 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó 3 DNNN thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa đến hết năm 2020 theo Quyết định số 26 năm 2019 Thủ tướng.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện thoái vốn trị giá gần 1.800 tỷ đồng, thu về 3.300 tỷ đồng. Một số bộ, địa phương hoàn thành thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt tỷ lệ cao, như Bộ Tài chính (Công ty cổ phần In tài chính), Bộ Tài nguyên & Môi trường(đã thoái vốn tại 3/4 doanh nghiệp), Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Các tỉnh được hoàn thành tốt được Chính phủ dẫn ra có Bình Định, Bình Thuận, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Nam, Hòa Bình, Khánh Hòa, KonTum, Cà Mau.
Công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30năm 2014 của Bộ Chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả tốt.
Hiện Thủ tướng đã phê duyệt phương án sắp xếp tổng thể đối với 40 địa phương, tập đoàn, tổng công ty (đạt 97,56%), với 253/256 công ty nông, lâm nghiệp (đạt 98,83%).
Năm 2019, có 44 công ty nông nghiệp (lũy kế đạt 74,42%) và 25 công ty lâm nghiệp (lũy kế đạt 86,76%) chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Các công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp, chuyển đổi hoạt động hiệu quả hơn, cơ bản xử lý được tồn tại về tài chính, tranh chấp, lấn chiếm đất đai.
Vốn chủ sở hữu nhóm này cũng tăng lên hơn 27.800 tỷ đồng, doanh thu xấp xỉ 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ đồng.
Liên quan đến việc xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công thương, Chính phủ khẳng định, tình hình tiếp tục có chuyển biến tích cực. Việc xử lý bám chắc nguyên tắc thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn.
Đến nay, đã có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cung cấp tín dụng thực hiện xử lý các dự án này.
Trong 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, đến năm 2019 có 2 nhà máy có lãi, 4 dự án đã từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm lỗ nhưng do tình hình thị trường khó khăn nên kết quả chưa bền vững.
Đó là, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1- Hải Phòng lợi nhuận sau thuế 7,2 tỷ đồng; nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận sau thuế 270 tỷ đồng; nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 340 tỷ đồng; nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ gần 210 tỷ đồng; nhà máy đạm Ninh Bình giảm lỗ 420 tỷ đồng; vông ty DQS giảm lỗ 46,4 tỷ đồng.
3 dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh nay đã có 1 dự án sản xuất trở lại, 2 dự án đủ điều kiện vận hành. Tuy nhiên do thị trường khó khăn nên 3 dự án hiện vẫn dừng sản xuất. Đó là dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.
3 dự án xây dựng dở dang, đang tiếp tục được xử lý là dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đang tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức thực hiện bán đấu giá; dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với MCC và các nhà thầu phụ.
Báo cáo của Chính phủ nêu nhận định khái quát, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tích cực triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu được duyệt, tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính, thực hiện có hiệu quả các biện pháp tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn những tồn tại như việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.
Một số cơ chế chính sách liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước có nhiều vướng mắc (vướng mắc liên quan đến việc sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (giá trị văn hóa, lịch sử), phần vốn nhà nước để cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định tại Nghị định số 126, Nghị định số 167cùng ban hành năm 2017 và Nghị định số 32năm 2018 của Chính phủ.
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại một số Bộ, ngành, địa phương chậm.
Báo cáo điểm danh: Bộ Công Thương thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Bộ Xây dựng thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần. Thành phố Hà Nội thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp thuộc danh sách phải cổ phần hóa đến năm 2020 cũng còn nhiều, trong đó Hà Nội có 13 doanh nghiệp; TPHCM 38 doanh nghiệp; UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty. Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng mỗi đơn vị còn 2 Tổng công ty.
Phương Thảo