Thi trắc nghiệm môn Toán THPT quốc gia khiến cử tri chưa yên tâm

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh cho rằng, việc thi bằng phương thức thi trắc nghiệm đối với môn toán khiến cử tri chưa yên tâm. Cách thức thi cử, đánh giá dẫn tới việc thay đổi tư duy với các môn học theo hướng không tích cực…

Trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình Kinh tế - Xã hội

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 30/10 của Quốc hội, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn thành phố Hà Nội) nhận xét, báo cáo của Chính phủ đã cho thấy một bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế xã hội của cả nước trong năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020. Cử tri đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ trong việc điều hành bộ máy Nhà nước để có những con số ấn tượng như trong báo cáo đã nêu.

Tuy nhiên, theo đại biểu, còn một số nội dung đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, đó là những vấn đề về văn hóa và giáo dục.

Thi trắc nghiệm môn Toán THPT quốc gia khiến cử tri chưa yên tâm - 1
Đại biểu Dương Minh Ánh tập trung vào vấn đề văn hóa, giáo dục tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.

Trước hết, bà Minh Ánh ghi nhận, trong những năm qua, lĩnh vực này đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhưng xét về tổng thể thì văn hóa chưa được coi trọng tương xứng với tiềm lực kinh tế đang phát triển của đất nước, trong khi đó văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề đối với một đất nước đang trên đà phát triển như Việt Nam. Nhà nước hiện cũng rất cần coi trọng và tập trung nguồn lực đầu tư cho văn hóa nhưng nội dung này trong báo cáo của Chính phủ còn nêu hết sức chung chung, chưa có phân tích sâu và nêu nguyên nhân những tồn tại trong thời gian qua. Thực tế, biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Vấn đề khác là nguồn lực đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và tu bổ cấp thiết di tích cấp quốc gia còn rất thấp và rất hạn chế. Qua báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy nguồn ngân sách này dành cho dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa khoảng 76 tỷ đồng/năm và 58 tỷ/năm đối với nguồn kinh phí tu bổ cấp thiết của 118 công trình di tích cấp quốc gia. Nếu chia bình quân thì chưa đầy 500 triệu đồng/công trình.

Nhiều công trình văn hóa cấp quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng, quản lý cấp phép các tác phẩm điện ảnh còn lỏng lẻo, làm kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền.

Những vấn đề nóng về Biển Đông nổi lên trong năm cũng khiến dư luận lo lắng. Việc sắp xếp bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật trên cả nước đang còn nhiều bất cập, chưa hợp lý.

Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này trong báo cáo và có những giải pháp cụ thể để giải quyết một cách căn cơ; cần ưu tiên bố trí, tăng cường nguồn ngân sách để tu bổ cho các công trình văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; có giải pháp quản lý chặt chẽ cẩn trọng hơn đối với việc cấp phép phát hành các tác phẩm điện ảnh, phát hành các ấn phẩm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho các bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu thật kỹ và đánh giá tác động của việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; lưu ý đến các lĩnh vực đặc thù như y tế, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao; tránh sắp xếp một cách cơ học nóng vội duy ý chí.

Đại biểu cũng nêu nhiều tâm tư về vấn đề giáo dục. Nội dung mà trong thời gian qua cử tri cũng hết sức quan tâm đến việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thi bằng phương thức thi trắc nghiệm đối với môn toán trong kỳ thi trung học phổ thông khiến cử tri chưa yên tâm. Bà Ánh nêu quan điểm, phương thức thi này cũng là một nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt đối với cuộc thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Bà Dương Minh Ánh cho rằng, phương pháp thi, đánh giá này tạo nên cách dạy và học mới. Tư duy với những môn này có sự thay đổi, thầy cô chỉ cần dạy cho học sinh cách thức làm bài, còn kết quả thì… có người khác lo.

Bà Ánh đề nghị Bộ GD-ĐT, Chính phủ nghiên cứu, xem xét lại cách thức thi này.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đề cập đến tình hình Biển Đông. Ông Nhường nhắc lại báo cáo Chính phủ nêu, gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.

Theo ông, Đảng và Nhà nước đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì Việt Nam không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Tuy nhiên, đại biểu đề cập một khía cạnh, trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, ngư dân là lực lượng tham gia đóng góp lớn, nhưng chính sách cho đối tượng này lại chưa được quan tâm đúng mức. Sau đó, đại biểu phân tích về chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ không hiệu quả.

Phương Thảo