Thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức gây tốn kém, dễ tiêu cực
(Dân trí) - Với trên 1,8 triệu viên chức hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề ở các bộ ngành, địa phương, việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng hàng năm gây tốn kém, dễ xảy ra tiêu cực.
Lý giải đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, Bộ Nội vụ cho rằng điều này nhằm tiếp tục cải cách công vụ, đổi mới phương thức quản lý đội ngũ theo đúng chủ trương bảo đảm "phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới" và giảm "gánh nặng thi cử" đối với đội ngũ cán bộ, viên chức.
Theo Điều 33 Nghị định 115/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, việc tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thuộc thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành (đối với chức danh nghề nghiệp hạng I) và cơ quan quản lý viên chức (đối với chức danh nghề nghiệp hạng II trở xuống).
Thực tế triển khai đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. "Các Bộ quản lý các chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chậm ban hành các thông tư quy định về nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng dẫn đến không kịp thời trong việc tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của đội ngũ viên chức", Bộ Nội vụ chỉ rõ bất cập.
Cụ thể, từ năm 2012 đến năm 2018, đối với khối Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thì chỉ có Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thi hoặc xét thăng hạng cho đội ngũ viên chức chuyên ngành.
Đối với khối địa phương chủ yếu đề nghị cử viên chức tham gia các kỳ thi do các Bộ quản lý chuyên ngành để tổ chức ghép thi (chỉ có Hà Nội tổ chức thi thăng hạng cho đội ngũ viên chức chuyên ngành y tế).
Hơn nữa, theo Bộ Nội vụ, tiêu chuẩn, điều kiện dự thi phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp. Trong khi đó, nhiều chức danh nghề nghiệp không xây dựng được chương trình bồi dưỡng, không tổ chức được các khóa bồi dưỡng nên không tổ chức được các kỳ thi thăng hạng cho viên chức chuyên ngành đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đội ngũ viên chức.
"Có những chức danh nghề nghiệp còn chưa tổ chức thi lần nào như: kiến trúc sư, thẩm kế viên, đo đạc, địa chính, đạo diễn…", Bộ Nội vụ nêu rõ trong tờ trình gửi Chính phủ.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp chưa thật sự gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Nội dung thi thăng hạng còn hình thức, chưa sát với vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp dẫn tới không đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ của việc thăng hạng.
Hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm của viên chức chưa được hoàn thiện đã dẫn đến thực trạng "viên chức trước và sau khi được thăng hạng không có sự thay đổi về công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ". Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu để giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập.
Với số lượng viên chức rất lớn (trên 1,8 triệu người), hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề ở các bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước, việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng hàng năm gây tốn kém kinh phí. Cá biệt một số nơi xảy ra vi phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi.
Trước thực trạng đáng lo ngại đó, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi theo hướng bỏ quy định hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chỉ giữ hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp không ảnh hưởng đến quy định của Luật Viên chức 2010 do "hạng chức danh nghề nghiệp" không quy định tại Luật Viên chức mà chỉ được quy định tại các nghị định và thông tư hướng dẫn chuyên ngành.
"Khi Chính phủ ban hành nghị định mới sẽ có đủ căn cứ pháp lý để thay thế các nghị định và thông tư có quy định về nội dung này", Bộ Nội vụ phân tích.