Thí điểm chính quyền đô thị, Đà Nẵng sẽ sắp xếp cán bộ dôi dư như thế nào?
(Dân trí) - Đà Nẵng sẽ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phường và các trường hợp đang đảm nhiệm chức danh nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm.
Theo hồ sơ dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng đang được Bộ Tư pháp thẩm định, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận sẽ bao gồm 9 phòng: Văn phòng UBND (bao gồm cả chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế trên địa bàn quận); Phòng Nội vụ; Phòng Tư pháp; Phòng Kinh tế - Tài chính; Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội; Phòng Văn hóa và thông tin; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Tài nguyên và môi trường; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra quận.
Chủ tịch quận là công chức lãnh đạo, quản lý và là người đứng đầu UBND quận. UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng. “Chủ tịch quận có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân ở quận về tình hình hoạt động của UBND quận và phường, những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng của công dân trên địa bàn quận”- dự thảo nêu rõ.
Công chức mỗi phường không quá 15 người
Bộ Nội vụ (cơ quan soạn thảo) cho biết chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận của thành phố Đà Nẵng vẫn gọi là UBND phường, là cơ quan hành chính nhà nước ở phường. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của UBND phường đã khác so với trước đây, gồm có: Chủ tịch, Phó chủ tịch phường, Trưởng công an phường, các công chức giữ vị trí chức danh Chỉ huy trưởng quân sự phường, văn phòng-thống kê, địa chính-xây dựng-đô thị và môi trường, tài chính-kế toán, tư pháp-hộ tịch, văn hóa-xã hội.
Để thể hiện rõ hơn quy định về chế độ “thủ trưởng” trong hoạt động của UBND phường, dự thảo đã quy định trách nhiệm của Chủ tịch, Phó chủ tịch phường và các công chức khác của phường trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Về quan hệ công tác, Chủ tịch phường chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND, Chủ tịch UBND quận. Khi gặp những vấn đề vượt quá thẩm quyền, Chủ tịch phường phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND, Chủ tịch UBND quận.
Ngoài ra, UBND, Chủ tịch phường chịu sự lãnh đạo của Đảng ủy phường trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của HĐND, UBND quận giao cho UBND phường và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo nêu rõ số lượng công chức của mỗi phường không quá 15 người. UBND thành phố trình HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định cụ thể biên chế của từng vị trí việc làm gắn với chức danh công chức làm việc tại UBND phường.
Sắp xếp cán bộ dôi dư
Dự thảo nghị định đề xuất: Kể từ ngày 1/7/2021, công chức đang làm việc tại UBND phường nếu đạt đủ tiêu chuẩn của công chức quận và được Chủ tịch phường đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì được xét chuyển thành công chức thuộc biên chế của UBND quận.
Trường hợp công chức đang làm việc tại UBND phường không được xét chuyển thành công chức thuộc biên chế của UBND quận thì bố trí, sắp xếp công việc khác hoặc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.
HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND phường và các trường hợp đang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường nhưng không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch phường theo quy định. Thời gian sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách phải hoàn thành trước ngày 1/7/2021.
Cán bộ, công chức ở phường thuộc diện dôi dư do phải sắp xếp thì căn cứ theo từng đối tượng mà thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành và chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức ở phường thuộc diện dôi dư do phải sắp xếp khi thực hiện thí điểm do HĐND thành phố Đà Nẵng quy định.
Tờ trình của Bộ Nội vụ cho rằng công chức làm việc tại UBND phường sẽ là công chức thuộc biên chế của UBND quận. Vì vậy, đối với cán bộ chuyên trách cấp xã (gồm Bí thư đảng ủy, Phó Bí thư thường trực đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội) ở các phường thì thực hiện theo quy định của Đảng và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Trường hợp chưa có quy định của Đảng thì việc xếp lương, các chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở phường thực hiện theo Nghị định số 92/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Nghị định số 34/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và các văn bản hướng dẫn thi hành.