Tháo gỡ vướng mắc hoạt động khai thác đất, đá ở Quảng Ninh

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy vừa đồng chủ trì buổi làm việc nhằm tháo gỡ một số vướng mắc liên quan tới công tác quản lý hoạt động khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng và khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tháo gỡ vướng mắc hoạt động khai thác đất, đá ở Quảng Ninh - 1

Ông Cao Tường Huy- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Cao Tường Huy- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn coi trọng, đẩy mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới công tác quản lý hoạt động khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng và khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh mong muốn các đơn vị chức năng tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, tháo gỡ, hướng dẫn đối với nội dung nêu trên.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay Quảng Ninh đã và đang xúc tiến triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm tiếp theo.

Ước tính, hàng năm, ngành than bóc xúc, đổ thải khoảng từ 250-300 triệu m3 đất đá tại các mỏ than lộ thiên và khoảng gần 1,3 triệu m3 đá xít thải của các nhà máy tuyển than. Lượng đất đá này ngày càng có xu hướng tăng lên do các mỏ lộ thiên khai thác xuống sâu, phải mở rộng biên giới và tăng hệ số bóc xúc. Các bãi thải rất thuận lợi cho việc khai thác, chế biến làm vật liệu san lấp mặt bằng.

Việc tận dụng đất đá thải mỏ tại các bãi thải sẽ giải quyết được khó khăn về diện đổ thải, giảm cung độ vận tải cho mỏ than, giảm bớt chi phí bảo vệ môi trường, chống trôi lấp bồi lắng… góp phần phát triển bền vững, giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, không phải giải phóng mặt bằng khu vực khai thác, giảm thiểu nguy cơ về sạt lở bãi thải, bồi lấp sông suối.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Quảng Ninh đã gặp một số khó khăn vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, tính khả thi triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, chiến lược cấp bách trên địa bàn tỉnh.

Trước vấn đề này, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời, hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của địa phương liên quan tới công tác quản lý hoạt động khai thác đất, đá thải mỏ than để sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh cũng như là đóng góp ý kiến vào dự thảo Quyết định ban hành quy định tạm thời về việc quản lý, cấp phép khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh.

Tháo gỡ vướng mắc hoạt động khai thác đất, đá ở Quảng Ninh - 2

Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đánh giá cao những nỗ lực của UBND tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại địa phương; đồng thời mong rằng trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh liên quan đến liên quan tới công tác quản lý hoạt động khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng và khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ông Kiên đề nghị các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ tăng cường trao đổi, phối hợp, hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh các giải pháp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị tận dụng các sản phẩm đổ thải trong quá trình khai thác đất, đá thải mỏ than để sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, phục vụ các dự án trên địa bàn cũng như đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản.

Đồng thời phải phù hợp với thực tiễn công tác quản lý tại địa phương, hạn chế tối đa việc khai thác đất, đá đồi tự nhiên, tránh các tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường, thoái hóa đất đai ...

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát đề trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Khoáng sản mang tính cơ bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản. Việc sửa đổi này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch nói chung, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhả nước về khoáng sản; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thời gian qua.

Chính vì vậy, Thứ trưởng Trần Quý Kiên mong muốn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tổng hợp, đề xuất các khó khăn, vướng mắc về tình hình triển khai công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn lắng nghe, hướng về địa phương, cơ sở để có thể nắm bắt chính xác nhất các vấn đề vướng mắc tại địa phương, nhằm đưa ra các giải pháp góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại địa phương đạt hiệu quả cao nhất”-ông Kiên nói.

T.K