1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Dương:

“Thành phố thợ” vắng hoe hoắt

Những con đường vắng hoe, những gương mặt đăm chiêu… là những hình ảnh ở các khu nhà trọ công nhân tại khu công nghiệp Bình Đường, Bình Dương. Cách đây ba năm, nơi đây từng được xem là “thành phố thợ” với sự náo nhiệt sôi nổi của hàng chục ngàn công nhân cư trú.

“Thành phố thợ” vắng hoe hoắt - 1
Các hàng quán ế ẩm ở “thành phố thợ” 

  

Đã hơn một tháng nay, Phượng vẫn cứ loanh quanh chạy tìm việc. Nếu so với cùng thời điểm năm trước, giờ này Phượng không chỉ có tiền trang trải cuộc sống mà còn được chút đỉnh gửi về phụ cha mẹ cho đứa em trai út đang học lớp 8 đi học. Chưa đầy một tháng nhưng Phượng đã hai lần dời chỗ ở, thử việc hai lần nhưng cuối cùng vẫn phải chạy về quê xin cấp dưỡng.

 

Trăn trở tìm kế mưu sinh

 

Hôm gặp Phượng, cô đang thử công việc quản lý tiệm internet gần nơi ở trọ và cũng chưa có gì chắc chắn. Cùng phòng trọ với Phượng còn hai người bạn, một người hiện đang làm đốc công cho công ty cũ, một người công nhân may. “Năm ngoái tụi tôi có năm người nhưng đến bây giờ mới chỉ có ba người vào, còn hai người kia vẫn đang ở quê, khi nào có việc mới dám vào… cuối năm ngoái buồn quá nên ai cũng sợ…”, Phượng bảo vậy.

 

Quê Phượng ở Lâm Đồng. Ba năm ở Sài Gòn chỉ có thời điểm cuối năm ngoái là buồn nhất. Phượng là một trong những người thất nghiệp đầu tiên trong khu nhà trọ khi công ty quyết định giảm hoạt động sản xuất vào giữa tháng 10/2008, nguyên tổ may của Phượng được nghỉ sớm. Cả tổ quay quắt đi tìm việc trong cơn khủng hoảng. Phượng may mắn tìm được chân bán hàng quần áo xôn lề đường. Tiền công không nhiều nhưng so với các bạn Phượng vẫn là người may mắn vì không phải vay mượn để về quê đón tết. Nhưng từ khi quay trở lại cái may mắn đó đã không còn.

 

Ngồi lai rai bên chai rượu đã vơi quá nửa, nhóm bạn trẻ Đức, Hùng, Thái, Hưng quê ở Nghệ An, gương mặt đăm chiêu khi nghĩ đến thời gian sắp tới. “Vào cả tháng rồi nhưng vẫn chưa tìm được việc… Hôm qua mới nộp hồ sơ ở công ty gỗ xuất khẩu tại khu công nghiệp (KCN) Bình Đường, nhưng chẳng biết bao giờ mới có việc làm…”, Đức trầm ngâm lo lắng. Năm trước Đức là thợ điện công nghiệp, kiếm việc dễ, vậy mà từ đầu năm đến giờ ngày nào cũng phải đi nộp hồ sơ nhưng chưa thấy nơi nào gọi.

 

Mặc dù là giờ cao điểm buổi tối, khu nhà trọ trên đường số 9, Bình Đường không khí yên lặng như không có người. Có sáu phòng nhưng chỉ bốn phòng có người ở. “Trước đây phòng chỉ có bốn người, nhưng bây giờ phải xin chủ nhà cho ở đỡ thêm hai người vì bạn tôi vẫn chưa tìm được việc. Hy vọng qua tuần sẽ có nơi nhận làm…”, Hồng - thành viên duy nhất trong nhóm chịu tiếp chuyện.

 

Lặng lẽ Bình Đường

 

Cách đây năm năm, KCN Bình Đường, Bình Dương được xem như một biểu tượng của sự phát triển. Trong cái doi đất ăn sâu vào địa bàn Thủ Đức chỉ trong thời gian ngắn đã phát triển thành một đô thị sầm uất, trở thành nơi cư trú cho hàng ngàn công nhân từ khắp các nơi đổ về. Theo công an xã Bình Đường, vào thời điểm cực thịnh “thành phố thợ” có đến 45.000 công nhân cư trú.

 

Nhưng giờ đây, dù là đêm cuối tuần, không gian đô thị của Bình Đường như chùng lại. Dọc theo đường số 5, hai bên kín rịt những hàng quán ăn, tạp hoá, karaoke, hớt tóc… đèn sáng trưng cả con phố nhưng khách không có. Quán ăn gần cuối con hẻm, chủ xếp tới 10 bàn, nhưng chỉ có một thực khách. Những quán cà phê lớn nhất Bình Đường cũng chỉ lèo tèo vài ba khách. “Phố cà phê” đường số 7, có tới ba quán lớn chiếu video, nhạc mở xập xình trong cảnh đìu hiu.

 

Ngay trước chợ An Bình, có tới vài chục chiếc xe bán hàng rong tụ tập, không có khách nên chỉ còn lại tiếng cười nói của bạn hàng với nhau. Lâu lâu cất cao một giọng nữ “bắp cải 3.000kg…” mức giá rao giảm tới 2.000đ/kg nhưng vẫn không tìm được khách.

 

Túm tụm thành nhóm trước cửa nhà trọ trên đường số 5, Huyền, một nữ công nhân, cho biết công việc khó kiếm, kiếm được chưa chắc thu nhập đã cao nên hầu hết công nhân tại đây chọn hình thức giải trí là “tám”. Gọi là “tám” nhưng trên gương mặt bảy bạn trẻ, ai cũng hằn nét lo âu. Cách đó hai căn, nhóm ba công nhân nữ Hồng, Thanh, Nụ, trong căn phòng trọ “mặt tiền” đang dùng cơm tối. Mâm cơm chỉ có đĩa rau luộc, đậu phụ kho, nhưng với họ trong tình cảnh hiện nay như vậy là tốt rồi. “Ra ngoài ít cũng phải 10.000đ/người, nhưng với số tiền đó tụi tôi ba người ăn no nếu nấu ở nhà, bây giờ giảm được cái gì tốt cái đó…”, Thanh cười giải thích. Hai trong nhóm họ trước đây là công nhân may, nhưng bây giờ phải chuyển qua giày nên thu nhập giảm. Tiện ích, giải trí đối với họ giờ trở thành hàng xa xỉ.

 

Ông Cao Tiến Bỉnh, trưởng ấp 2 Bình Đường cho biết, không thể nói chính xác về số công nhân giảm, nhưng quan sát thực tế tại các nhà trọ trong ấp, thì số công nhân quay trở lại đầu năm nay vắng hẳn so với những năm trước. Theo ông Bỉnh, nguyên nhân giảm là do một số công nhân rời bỏ khu vực này chuyển sang khu vực khác tìm việc làm với hy vọng có mức lương ổn định hơn, cộng thêm một số người phải quay trở về quê vì không tìm được việc làm.

 

Cái khó của cơn khủng hoảng đang đè nặng trên vai họ. Nếu như trước đây họ mong được bớt giờ tăng ca để có thời gian phục hồi thì bây giờ chỉ mong sao được tăng ca để kiếm thêm và bớt đi những khoản chi xài không cần thiết. Ước mơ nhỏ đó của họ giờ xem ra không dễ thực hiện.

 

Theo M.Tr
Sài Gòn tiếp thị