Thái Nguyên - "An toàn khu" vững bước đi lên

Hải Vân

(Dân trí) - Thái Nguyên đang từng bước hiện thực hóa xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Trong suốt chiều dài lịch sử 190 năm (4/11/1831 - 4/11/2021) hình thành và phát triển, Thái Nguyên luôn khẳng định vị trí quan trọng, cùng với cả nước trong đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và xây dựng đất nước. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã làm tròn sứ mệnh bảo vệ tuyệt mật "Thủ đô kháng chiến".

Những năm qua,  Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, góp phần quan trọng  từng bước hiện thực hóa xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía bắc.

Thái Nguyên - An toàn khu vững bước đi lên - 1

Thành phố Thái Nguyên. 

Từ "An toàn khu" trong kháng chiến

Thái Nguyên nằm ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc bộ, nên có vị trí chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của vùng Việt Bắc và của cả nước; cùng với Tuyên Quang và Bắc Kạn, Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm "An toàn khu" kháng chiến, là vùng lõi của Chiến khu Việt Bắc; là nơi ra đời Trung đội Cứu quốc quân II và cũng là nơi tổ chức lễ thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân (ngày 15/5/1945) - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Cũng tại đây, Bác Hồ đã cùng các đồng chí Trung ương Đảng họp bàn và quyết định nhiều quyết sách quan trọng đưa cuộc kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng đi đến thắng lợi, như: Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, Chiến cục đông-xuân 1953-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới, quân và dân tỉnh Thái Nguyên luôn là hậu phương vững chắc; cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nơi đây đã ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái trong đêm Noel năm 1972, khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.

Phát huy truyền thống cách mạng, Thái Nguyên đã và đang chủ động, sáng tạo, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đi tới các thành công mới.

Thái Nguyên - An toàn khu vững bước đi lên - 2

Khu công nghiệp Điềm Thụy thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đến một Thái Nguyên năng động phát triển và hội nhập

Với vị trí giao thương, hội tụ và kết nối, tỉnh Thái Nguyên đã và đang năng động phát triển, hội nhập. Hiện nay, Thái Nguyên thuộc nhóm các tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế GRDP cao so với cả nước; thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và phát triển đô thị được chú trọng; các ngành dịch vụ phát triển tương đối đồng bộ, ngày càng nâng cao về giá trị. Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác phòng, chống dịch Covid -19 được thực hiện quyết liệt, đã và đang là vùng xanh, an toàn của cả nước trong phòng, chống dịch Covid. Thái Nguyên là tỉnh sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện chương trình chuyển đổi số và hiện nay đang đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, Phát triển kinh tế số và xây dựng Xã hội số.

Quyết liệt chỉ đạo, chung sức, đồng lòng đang là phương châm để đưa nền kinh tế của Thái Nguyên bứt phá. Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 238 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 90 dự án. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp tục phát triển, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 350 doanh nghiệp.

Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng có bước tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tăng sự đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đây là điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020.

Thái Nguyên - An toàn khu vững bước đi lên - 3

Thái Nguyên quyết tâm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân đạt 11,1%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 14,5%/năm; dịch vụ tăng 7,3%/năm; nông - lâm - thủy sản tăng 3,8%/năm. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng nhanh, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng GRDP của tỉnh, đúng định hướng nghị quyết.

Năm 2020, cơ cấu kinh tế là: Công nghiệp - xây dựng 59%; dịch vụ  31%; nông - lâm nghiệp - thủy sản 10%. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 610 nghìn tỷ đồng, bằng 72,5% kế hoạch, tăng 7,5%,. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 21,31 tỷ USD, bằng 75,7% kế hoạch, tăng 7,3%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 32,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 11.601 tỷ đồng, bằng 74,4% dự toán. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 30,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, năng lực sản xuất tăng nhanh, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Thái Nguyên - An toàn khu vững bước đi lên - 4

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên trò chuyện cùng với các sinh viên ĐH Thái Nguyên. 

Với quyết tâm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Thái Nguyên tập trung cao độ để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và quản lý dự án đầu tư. Đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác, hội nhập. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp trong củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển".