Sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện mạnh mẽ
(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của Covid-19 và thiên tai, bão lũ, truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu lặng, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được thể hiện.
Phát biểu tại buổi thảo luận về các Văn kiện Đại hội XIII sáng 27/1, ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đùm bọc lẫn nhau đã thấm sâu vào tình cảm và hành động của mỗi người dân đất Việt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Thực hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", các thành viên của Mặt trận đã xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện.
Mặt trận đã trở thành ngôi nhà chung để các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, trí tuệ và khả năng của mình, góp phần tích cực xây dựng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
"Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ vừa qua, truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu lặng, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được thể hiện đậm nét và mạnh mẽ"- ông Mẫn nói.
5 bài học kinh nghiệm
Qua thực tiễn hoạt động, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQ Việt Nam:
Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ hai, trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Thứ ba, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên.
Thứ tư, quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh", Mặt trận phải thường xuyên đổi mới phù hợp với thực tiễn.
Thứ năm, thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết gắn với đấu tranh, có lý, có tình với các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy vậy, ông Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cũng thẳng thắn nhìn nhận còn những hạn chế. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; trong hoạt động, có việc chưa sâu sát, thiết thực, hiệu quả, chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới. Việc phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc của dân có nơi chưa kịp thời; nhiều khi chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh, chính kiến.
Tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào
Ông Mẫn đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo. Vận động đồng bào ta ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, đóng góp trí tuệ, tài năng, nguồn lực để xây dựng đất nước.
Thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác quốc tế, hình thành mặt trận rộng rãi, ủng hộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Trong thời gian tới, hoạt động của Mặt trận phải hướng mạnh về cơ sở, phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức thành viên, của Ban công tác Mặt trận ở hơn 100 ngàn địa bàn dân cư trong cả nước; tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
Phải lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời phản ánh, tham mưu đối với cấp ủy, phối hợp cùng chính quyền giải quyết các vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống nhân dân; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia hiệu quả hơn trong xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
"Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", đội ngũ cán bộ Mặt trận phải có năng lực, trình độ, tâm huyết, trách nhiệm, biết "lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin"- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhìn nhận.