1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sửa luật cần tạo điều kiện tối đa cho báo chí phát triển

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) đề nghị việc sửa đổi Luật Báo chí lần này cần theo quan điểm tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan báo chí phát triển để đáp ứng yêu cầu thông tin của nhân dân cũng như thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và diễn đàn cho nhân dân.

 


Đại biểu Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Đại biểu Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) chiều nay 14/11, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - bày tỏ ý kiến đồng tình với nhận xét của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh về việc dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) chưa làm rõ được quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận như Hiến pháp đặt ra.

TPHCM và Hà Nội cần có tính đặc thù chứ không  nên cào bằng

“Mô hình hoạt động báo chí hiện nay có nhiều loại, có loại bao cấp từ A đến Z, có loại tự chủ một phần. Qua báo cáo cho thấy có 284/845 cơ quan tự chủ hoàn toàn, tức là vẫn còn rất nhiều cơ quan báo chí sử dụng ngân sách Nhà nước. Sắp tới quy hoạch báo chí phải theo hướng sắp xếp lại cho tinh gọn, hẹp đầu mối. Còn như hiện nay tôi thấy đã có đài truyền hình trung ương rồi lại có đài khu vực, Đài Truyền hình khu vực Huế cách Đài Truyền hình khu vực Đà Nẵng khoảng 100 km như vậy là xảy ra sự cạnh tranh, lãng phí nguồn lực”- ông Tiến chỉ rõ.

Ông Tiến cho biết trong quy hoạch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Báo chí) đã đề nghị Chính phủ sớm đưa ra hướng thu gọn lại đầu mối các cơ quan báo để thành lập các tập đoàn truyền thông. Đồng thời phải tự chủ về tài chính vì bởi miếng bánh ngân sách còn rất nhiều đối tượng phải ưu tiên.

“Trong luật này chúng tôi chưa thấy lấp lánh những ý quy hoạch báo chí như vậy”-ông Tiến nói.

Đối với việc cấp phép báo chí hiện nay quy định 7 loại giấy phép và 4 loại phải văn bản thông báo chấp thuận, theo ông Tiến, là quá nhiều. “Cần phải bỏ bớt loại giấy phép chứ để thế này thấy Hiến pháp thì mở nhưng luật chặt quá”-ông nói.

Theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP HCM), sau khi sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thì yêu cầu về đảm bảo tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân trên báo chí cũng đã đặt ra vấn đề sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp.

Dự thảo Luật Báo chí đã có 1 chương riêng quy định về quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của công dân trên báo chí, nhưng theo bà Trang, vẫn chưa ghi rõ khái niệm của hai quyền này, dễ dẫn tới cách hiểu khác nhau.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (TPHCM) và Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang cùng cho rằng theo lẽ thông thường, sau khi Luật Báo chí (sửa đổi) được ban hành thì Chính phủ  mới làm công tác quy hoạch báo chí. Tuy nhiên ngày 25/9 vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp để thông báo triển khai quy hoạch báo chí.

“Tôi cho rằng cần phải xem xét sự phù hợp giữa Luật Báo chí sửa đổi và quy hoạch báo chí đã được trung ương thông qua. Bởi trong quy hoạch thì cơ quan báo in có chủ quản là các tỉnh uỷ các địa phương và các bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên tôi cho rằng phải có tính đến đặc thù ở một số lĩnh vực, một số địa phương. Chẳng hạn các địa phương có nhiều cơ quan báo chí, hoạt động báo chí sôi động như TPHCM và Hà Nội thì cần tính đến tính đặc thù chứ không  nên cào bằng như các địa phương khác mà chỉ cò 1-2 tờ báo”-bà Trang đề nghị.

Đại biểu Trang cũng đề nghị việc sửa đổi Luật Báo chí lần này cần theo quan điểm tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan báo chí phát triển để đáp ứng yêu cầu thông tin của nhân dân cũng như thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và diễn đàn cho nhân dân.

“Hiện nay mới chỉ ưu đãi 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo in, đề nghị cần phải áp dụng cho cả báo điện tử. Ngoài ra cần miễn thuế giá trị gia tăng về các sản phẩm quảng cáo, phát hành cho cơ quan báo chí. Về quản lý hoạt động báo chí, cần có quy định để tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, cần phải giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho những người đứng đầu cơ quan báo chí nhiều hơn. Như quy định ở khoản 6, điều 7 của dự thảo cho rằng nếu những thông tin sai phạm trên báo chí thì cơ quan quản lý sẽ gỡ bỏ là không phù hợp, đúng ra phải yêu cầu cơ quan báo chí gỡ bỏ”-bà Trang bày tỏ quan điểm.

Chưa rõ cơ chế bảo vệ nhà báo tác nghiệp

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - đề nghị giải trình rõ việc bỏ quy định cho phép tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập cơ quan báo chí đã từng được đưa ra trước đây.

Theo ông Hùng, nhà báo có vai trò tích cực trong phòng chống tham nhũng, tệ nạn xã hội và luôn tiềm ẩn các nguy cơ bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nhưng quy định trong dự thảo luật chưa rõ vấn đề này.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên).
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên).

“Phải quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, cơ quan bảo vệ pháp luật trong bảo vệ nhà báo. Nhà báo hoạt động trong phạm vi cả nước, thậm chí cả nước ngoài, thì trách nhiệm của các cơ quan này trong bảo vệ nhà báo thế nào ?”- đại biểu Hùng đặt câu hỏi.

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng báo chí có vai trò lớn trong phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nhưng việc thu thập thông tin của nhà báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ ngoài xã hội mà cả với những người có chức quyền.

“Tôi đề nghị phải có biện pháp cụ thể để bảo vệ nhà báo, đồng thời phải quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước. Tại Thái Nguyên chúng tôi vừa qua xảy ra một vụ cô giáo để học sinh bị bạo hành trong 2 năm nhưng báo chí rất khó khăn lấy tin tức bởi cấp trên thì đổ cho cấp dưới. Cái này thì luật phải điều chính, trên dưới có thể nể nang nhau mà bao che nhưng với báo chí thì phải cung cấp bởi đây là kênh giám sát của nhân dân”- bà Huệ thẳng thắn.

Theo đại biểu Lê Như Tiến, mặc dù Chính phủ đã quy định về người phát ngôn cho báo chí nhưng thực tế là khi người phát ngôn “đi vắng”, “đi công tác” thì không ai dám cung cấp thông tin. “Cần phải quy định mở hơn để báo chí tiếp cận thông tin”- ông Tiến nói.

Tiết lộ nguồn tin dễ làm mất “chữ tín” của nhà báo

Điều 37 dự thảo luật quy định: Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Về quy định trên, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho biết: “Quá trình lấy ý kiến, nhiều nhà báo nói “tương đương” viện trưởng, chánh án là thế nào?. Thanh tra có tương đương không?. Cái này cần rõ ra”.

Đại biểu Lê Như Tiến cũng cho rằng cơ quan báo chí không phải cung cấp nguồn tin cho mọi đối tượng, nếu không sẽ mất quyền hạn của báo chí.

“Cung cấp như thế thì sau đó không ai cung cấp thông tin cho báo chí nữa, đó là chữ tín. Theo tôi chỉ cung cấp với “tội phạm rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng” thôi, còn “tội phạm nghiêm trọng” giờ phổ biến mà theo quy định này lại suốt ngày đi cung cấp thông tin. Báo chí điều tra theo hướng cung cấp thông tin cho công chúng chứ không có cơ quan điều tra phòng chống tội phạm. Hạn chế thế là vừa đủ”- ông Tiến nêu ý kiến

Trong khi đó, đại biểu Thuận Hữu - Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - đánh giá nhân dân hiện nay gần như thỏa mãn thông tin được báo chí cung cấp.

“Có người nói với tôi, báo chí hiện nay nhiều quá, thậm chí đang quá tải. Chỉ có một vụ tai nạn thôi mà hàng trăm tờ báo đăng nội dung như nhau. Chúng ta quy hoạch là quy hoạch chỗ này, bây giờ giảm bớt đầu báo xuống, quy định chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích cho từng tờ báo. Quy hoạch báo chí theo hướng giảm dần đầu mối và tăng quyền tự chủ lên cho cơ quan báo chí. Còn nếu như mở rộng báo chí ra thì không bao giờ quản lý được”- ông Thuận Hữu nói.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng chỉ rõ một vấn đề cụ thể mà ông đã nhiều lần đề cập nhưng ban soạn thảo không chịu tiếp thu, đó là quy định bệnh viện cấp tỉnh, thành phố được ra tạp chí khoa học.

“Tại sao lại đặt vấn đề là bệnh viện ở đây. Các cơ quan khoa học, nghiên cứu chuyên ngành từ cấp tỉnh trở lên mới nói được như thế, còn đột nhiên cho bệnh viện cấp tỉnh được thành lập tạp chí khoa học thì không ổn tí nào”-ông Thuận Hữu nói.

Ngoài ra, đại biểu Thuận Hữu đề nghị Quốc hội cân nhắc quy định cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố, có ít nhất 12 tác phẩm báo chí được phát sóng thì được cấp thẻ.

“Theo tôi nhà báo hành nghề chuyên nghiệm mới được cấp thẻ nhà báo. Còn cộng tác viên mà được cấp thẻ nhà báo, đi đâu họ cũng giơ ra thì không phải. Tôi thấy phần nhiều tiêu cực nằm ở khối cộng tác viên. Do vậy tôi đề xuất không cấp thẻ nhà báo cho cộng tác viên”- đại biểu Thuận Hữu nói.

Thế Kha - Quang Phong