Sẽ hoàn thành quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ mới trong năm 2022
(Dân trí) - Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, năm 2022, toàn bộ các cơ quan, tổ chức phải làm xong công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ 2026-2030.
Tại Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022 tổ chức ngày 14/7, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã thông tin nhiều nội dung về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo bà Mai, năm nay sẽ triển khai thực hiện Quy định 50 về quy hoạch cán bộ. Theo đó, toàn bộ các cơ quan, tổ chức phải làm xong công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2026-2030. Việc lập quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới có nhiều điểm mới như thay vì quy hoạch ba nhóm đối tượng, sẽ rút lại còn hai.
Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cho hay, trước đây quy hoạch gồm ba nhóm, trong đó ngoài hai nhóm vào Trung ương và Ủy viên dự khuyết Trung ương thì nhóm còn lại cấp vụ trưởng "đầu không đội tới trời, chân ko đội tới đất", không rơi vào đâu hết. Vì vậy tới đây sẽ chỉ quy hoạch hai nhóm, gồm những nhân sự có thể tiếp cận ngay vị trí được quy hoạch, còn lại là chuẩn bị cán bộ trẻ cho Đảng.
Theo bà Mai, nhóm 1 sẽ là nhóm đối tượng có thể tiếp cận ngay vị trí được quy hoạch, còn nhóm 2 là nhóm chuẩn bị cán bộ trẻ cho Đảng.
Số lượng cán bộ quy hoạch cho mỗi vị trí cũng giảm so với trước. Trước đây quy hoạch bốn người cho một vị trí thì nay một chức danh quy hoạch không quá 3 người, một người không quá 3 chức danh.
"Trước đây đưa tới 4 người quy hoạch cho một vị trí là đông quá. Trước giới thiệu 100 ông thì chỉ có 30 ông vào vị trí, còn 70 người tâm tư vì nằm trong quy hoạch mà ko được bổ nhiệm, do đó phải hẹp lại. Giảm số lượng cán bộ quy hoạch cho các vị trí cũng giúp chọn người tốt hơn, giỏi hơn và chặt chẽ hơn", bà Mai nói.
Theo bà Mai, việc luân chuyển cán bộ cũng có một vài điểm khác đó là, người luân chuyển phải còn ít nhất 10 năm công tác, thời gian luân chuyển 3 năm. Những cán bộ không còn đủ tuổi luân chuyển sẽ được điều động, phân công công việc về các địa phương, nếu nơi đó cần. Cán bộ nào trẻ thì sẽ luân chuyển để đào tạo. Quy định này nhằm tạo sự uyển chuyển giữa điều động và luân chuyển cán bộ.
Một điểm khác nữa mà Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu ra, đó là, lần này Trung ương cũng chủ trương không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ về địa phương. Như vậy, người được luân chuyển sẽ toàn tâm, toàn ý với địa phương, tránh tình trạng tăng thêm suất chức danh để tạo điều kiện luân chuyển cán bộ.
"Đưa cán bộ địa phương về trung ương phải là những người có năng lực, uy tín, thực tiễn tốt, nếu đưa ông mới bổ nhiệm từ trung ương về địa phương thì cơ quan tham mưu phải làm cho nhịp nhàng. Bố trí công tác sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu công tác, kết quả công tác của cán bộ đó chứ không phải ông nào cứ luân chuyển về là đều được lên chức", bà Mai nói.
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, quá trình lựa chọn cán bộ thay thế những người bị khai trừ, khởi tố thì Bộ Chính trị rất quan tâm, lựa chọn không chỉ dựa trên năng lực, bản lĩnh, mà còn phải trong sạch. Nếu cán bộ không sạch sẽ thì rất khó được quan tâm, bổ nhiệm vào các vị trí và Ban Tổ chức Trung ương cũng rất quan tâm đến vấn đề này.
Bà Mai cho biết, việc giới thiệu cán bộ cho Đảng là khó khăn, thách thức rất lớn của Ban Tổ chức Trung ương.