Sắp xếp hơn 35.000 tỷ tăng lương cho hàng triệu công chức, viên chức
(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính báo cáo tín hiệu khả quan của việc thu ngân sách đầu năm 2020 dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. UB Tài chính - Ngân sách lại băn khoăn những tín hiệu đáng ngại.
Trình UB Thường vụ Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1,55 triệu tỷ đồng, vượt gần 140.000 tỷ đồng so dự toán, tăng 94.000 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt 25,7% GDP, riêng từ thuế và phí đạt 21,1% GDP.
Nợ công ước bằng 54,7% GDP, giảm so với chỉ tiêu
Tổng chi ngân sách nhà nước đạt gần 1,748 triệu tỷ đồng, vượt 114,7 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 81,2 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Tài chính, tồn tại lớn trong điều hành năm 2019 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, cả năm đạt khoảng 70,8% dự toán, còn khoảng 130.000 tỷ đồng vốn chưa giải ngân phải chuyển nguồn sang năm 2020.
Đối với nguồn vượt thu và tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2019, tổng số là 49.000 tỷ đồng, gồm 32.000tỷ đồng vượt thu (không kể số vượt thu viện trợ) và xấp xỉ 17.000 tỷ đồng tiết kiệm chi trả nợ lãi, Chính phủ đã trình UB Thường vụ Quốc hội quyết định bố trí cho các nhiệm vụ.
Cụ thể là dành tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương là xấp xỉ 13.000 tỷ; thưởng vượt thu và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù cho các địa phương 2.000 tỷ; thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 20.000 tỷ; hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là 14.000 tỷ đồng.
Đối với nguồn vượt thu của ngân sách địa phương, tổng số là 106.000 tỷ đồng, sau khi sử dụng số vượt thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết để bổ sung vốn đầu tư các dự án quan trọng 73.000 tỷ và dành nguồn cải cách tiền lương năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025 là gần 23.000 tỷ, số còn lại được sử dụng theo các nội dung đã quy định trong luật ngân sách.
Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội có hướng dẫn đề nghị các địa phương ưu tiên dành nguồn tăng thu còn lại này để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch Covid-19 và hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách địa phương trong trường hợp hụt thu so với dự toán Quốc hội giao.
Bộ trưởng cho biết, bội chi ngân sách nhà nước năm qua ở mức 203.000 tỷ đồng, bằng 3,36% GDP thực hiện, giảm 19.000 tỷ đồng so dự toán. Trong đó bội chi ngân sách Trung ương giảm 6.500 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương giảm 12.500 tỷ đồng.
Đến hết ngày 31/12/2019, dư nợ công ước bằng 54,7% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,7% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 47% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020, tương ứng là 65%, 54% và 50% GDP).
Giảm thu 7/12 khoản
Đánh giá về việc tổng thu ngân sách thực hiện 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 32,5% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019, UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các biện pháp ưu đãi về thuế của Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… là rất cần thiết, nhưng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới số thu ngân sách trong 4 tháng đầu năm 2020.
Về chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2020, cơ quan “gác cửa” ngân sách của Quốc hội thêm một lần bày tỏ sự sốt ruột khi mà vẫn còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân vốn đầu tư phát triển rất chậm.
Do vậy, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, thực hiện quyết liệt việc cắt giảm vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhưng thiếu vốn.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, do khả năng giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2020 là khó khăn, nên đề nghị Chính phủ chú trọng chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn này hơn là tốc độ giải ngân. Theo ý kiến khác, trong điều kiện hụt thu ngân sách nhà nước năm 2020 là khó tránh khỏi, đề nghị Chính phủ rà soát lại dự toán đã giao để cân đối đủ nguồn và bố trí vốn phù hợp cho các dự án để bảo đảm tính khả thi.
Đề cập nhiệm vụ những tháng cuối năm, UB Tài chính - ngân sách nêu rõ, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra là không khả thi. Đồng thời, dự kiến hụt thu ngân sách năm 2020 khá lớn (khoảng 130.000 - 150.000 tỷ đồng) trong khi nhu cầu chi tăng cao để ứng phó dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, cân đối ngân sách bị ảnh hưởng rất lớn.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bám sát dự toán ngân sách năm 2020 để chủ động có phương án điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế sát với thực tế hơn, tạo cơ sở để tính toán, dự báo các chỉ tiêu kinh tế, tài chính ngân sách tương ứng với tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở đó kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết.
Phương Thảo