Sáng nay, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ nhậm chức

Phương Thảo

(Dân trí) - Buổi làm việc sáng nay, 31/3, Quốc hội bỏ phiếu kín bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội thay cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân vừa được miễn nhiệm.

Cuối buổi chiều qua, ông Vương Đình Huệ được UB Thường vụ Quốc hội trình giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Ông Vương Đình Huệ là nhân sự duy nhất trong danh sách đề cử. Tại Quốc hội cũng không có đại biểu nào tự ứng cử vào chức vụ này.

Sáng nay, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ nhậm chức - 1

Ông Vương Đình Huệ là nhân sự duy nhất được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Theo nguyên tắc, Chủ tịch Quốc hội là một trong những chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước, phải là nhân sự có ít nhất một khóa tham gia Bộ Chính trị trước khi được quy hoạch, giới thiệu để bầu. Ông Vương Đình Huệ đã có 4 khóa là Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó, từ khóa XI được bầu vào Bộ Chính trị, đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, sau đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tháng 2 vừa qua đánh dấu nhiệm kỳ thứ 2 ông Huệ tham gia Bộ Chính trị khi tái đắc cử Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Theo quy hoạch nhân sự, ông Vương Đình Huệ cũng đã được cơ cấu, đưa vào danh sách giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới thuộc khối cơ quan Quốc hội.

Trong buổi sáng, UB Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu về nhân sự được dự kiến. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách ghi tên ông Vương Đình Huệ và bỏ phiếu kín để bầu nhân sự này làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Ban kiểm phiếu làm việc và công bố kết quả kiểm phiếu ngay sau đó.

Quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội sẽ hoàn thành với việc Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu.

Tân Chủ tịch Quốc hội thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức theo quy định.

Công tác nhân sự sẽ tiếp tục với việc UB Thường vụ Quốc hội trình miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín để miễn nhiệm các Phó Chủ tịch bằng hình thức bỏ phiếu kín trong buổi chiều cùng ngày.

Kết thúc quy trình miễn nhiệm các Phó Chủ tịch Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội cũng trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu những nhân sự thay thế.

Trước đó, nói về quy trình áp dụng với công tác nhân sự tại kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, đây là những bước làm cẩn trọng, chặt chẽ theo đúng quy định. Riêng với cơ quan Quốc hội, công tác nhân sự phải chia thành 3 nhóm. Chủ tịch Quốc hội được miễn nhiệm, bầu mới trước, rồi tới nhóm các Phó Chủ tịch Quốc hội, sau cùng mới tới nhóm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các UB của Quốc hội.

Quy trình này có những điểm khác biệt so với việc bầu mới toàn bộ các chức danh tại kỳ họp đầu tiên mỗi khóa Quốc hội.

Cụ thể, vì các nội dung của kỳ họp đang diễn ra vẫn cần bộ máy UB Thường vụ Quốc hội đảm bảo điều kiện có tối thiểu 2/3 số Ủy viên làm việc, thẩm tra nên việc miễn nhiệm các chức danh cũng phải tách thành các nhóm khác nhau để đáp ứng yêu cầu về cơ cấu cơ quan thường trực của Quốc hội.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV (dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới đây), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, quy trình sẽ ngắn gọn hơn, Quốc hội có thể bầu một lần 18 Ủy viên UB Thường vụ.