Rạch Giá đẩy mạnh tuyên truyền giảm rác thải nhựa
(Dân trí) - UBND TP Rạch Giá đã ban hành kế hoạch số 152/KH-UBND về quản lý chất thải nhựa đến năm 2025. Theo đó, địa phương này đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 95%
TP Rạch Giá là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Kiên Giang. Thành phố có diện tích tự nhiên trên 10.300 ha, được chia thành 11 phường và một xã. Dân số hơn 59.000 hộ dân với hơn 227.000 nhân khẩu.
Những năm qua, một số công trình trọng tâm được đầu tư xây dựng đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị của thành phố. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về kinh tế thì áp lực về dân số, môi trường, rác thải sinh hoạt cũng gia tăng,…
Để cải thiện tình trạng này, lãnh đạo UBND TP Rạch Giá đã chỉ đạo các phòng, ban và các phường xã, tích cực tuyên truyền đến cán bộ và người dân cùng nhau bảo vệ môi trường. Nhờ đó, công tác quản lý và bảo vệ môi trường của địa phương đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, qua số liệu thống kê, tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Rạch Giá hiện nay khoảng 250 tấn/ngày. Số rác thải này được thu gom đưa về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 95%, số còn lại chưa được thu gom, xử lý.
Lượng rác chưa được thu gom kịp thời tập trung ở xã Phi Thông và một phần phường Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thông. Nguyên nhân, do những địa phương này có một số tuyến đường giao thông chưa đảm bảo để xe chuyên dụng thu gom rác lưu thông, mật độ dân cư thấp, phân tán, nguồn lực hạn chế. Điều này khiến tỉ lệ thu gom chưa đạt yêu cầu, một bộ phận người dân còn thói quen vứt rác xuống kênh rạch...
Trước tình hình đó, căn cứ vào Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 13/11/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang về hành động quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, ngày 16/9/2021, UBND TP Rạch Giá ban hành Kế hoạch số 152 về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đến năm 2030.
Cán bộ, Đảng viên,… tiên phong giảm rác thải nhựa
Thực hiện Kế hoạch số 152/KH-UBND, từ năm 2021, UBND TP Rạch Giá đã tập trung vào lực lượng cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh để tuyên truyền và có hành động giảm rác thải nhựa trên địa bàn.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, cho biết, hưởng ứng hành động giảm thải chất thải rắn ra môi trường nên tháng 11/2021, nhà trường đã phối hợp với tổ chức WWF (Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên) thực hiện mô hình "Trường học không rác thải nhựa". Sau hơn một năm thực hiện, nhà trường đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về việc giảm sử dụng rác thải một lần đối với giáo viên, cán bộ và học sinh toàn trường.
Tính đến cuối năm học 2021-2022, nhận thức về tác hại của rác thải nhựa của giáo viên tăng lên 60% và của học sinh tăng lên 30% ở cuối năm học; giảm 30% lượng rác thải nhựa phát sinh tại trường vào cuối năm học; phân loại rác đạt 60%.
Từ khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch "giảm rác thải nhựa" trên địa bàn, UBND TP Rạch Giá cùng các phòng, ban, xã, phường đã xóa được 6 điểm nóng rác thải nhựa, tổ chức truyền thông, phân loại rác và xử lý rác hữu cơ tại nhà bằng ứng dụng vi sinh bản địa IMO cho 550 hộ gia đình. Địa phương cũng tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa; vận động cán bộ, Đảng viên, giáo viên, và học sinh thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, từ đó tham gia thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa".
Bên cạnh đó, TP Rạch Giá cũng phối hợp cùng Tổ chức WWF-Việt Nam tổ chức được 3 lớp tập huấn ToT về kỹ năng truyền thông giảm rác thải nhựa cho giáo viên, hội viên, đoàn viên trên địa bàn. Hoạt động này đã giúp trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các tuyên truyền viên nòng cốt, giúp thực hành và xây dựng các kế hoạch truyền thông để có thể lồng ghép vào công tác của cơ quan, đơn vị.
Nhờ đó, trong năm 2022, theo đại diện UBND TP Rạch Giá, địa phương đã giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra biển; 50% chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn được thu gom; 100% cơ quan nhà nước, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; 30% cơ sở du lịch, nhà hàng, khách sạn ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; 50% ngư dân trên địa bàn cam kết không vứt bỏ ngư cụ, vứt rác xuống kênh, biển. Và ít nhất, 17 trường học tham gia giáo dục bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa.
Lãnh đạo UBND TP Rạch Giá, cho biết, sau hơn một năm thực hiện kế hoạch 152/KH-UBND về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đến năm 2025, thành phố đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức đối với cán bộ, Đảng viên và người dân.
Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất là ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Thời gian tới, UBND thành phố sẽ phối hợp cùng WWF-Việt Nam triển khai các hoạt động trọng tâm, như: Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ứng xử và thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn thành phố. Đồng thời, địa phương sẽ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
TP Rạch Giá cũng thúc đẩy mở rộng tuyến thu gom trên địa bàn nông thôn bao gồm xã Phi Thông, phường Vĩnh Thông và Vĩnh Hiệp; hoạt động phân loại rác và xử lý rác hữu cơ tại nguồn theo quy định Luật Bảo vệ Môi trường 2020.
Lãnh đạo địa phương cũng khuyến khích các sáng kiến, mô hình tái chế, giảm sử dụng, thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, xem xét đưa hoạt động thu gom rác trên kênh, rạch và ven biển vào dịch vụ công ích hàng năm.
Theo lãnh đạo UBND TP Rạch Giá, địa phương đã phối hợp cùng WWF-Việt Nam triển khai thí điểm hoạt động vớt rác thải nhựa trên sông, trên biển trên địa bàn, sau 24 chuyến thí điểm đã thu gom được hơn 26 tấn rác thải.
Lãnh đạo TP Rạch Giá còn cho rằng, ngoài lượng rác thải được thu gom, chương trình vớt rác dưới kênh, rạch, ven biển, còn mang ý nghĩa lớn giúp làm sạch các thủy vực, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Điều này đã tuyên truyền đến người dân ý thức bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi hành động xả rác xuống kênh, rạch của một bộ phận dân cư chưa có thói quen bỏ rác vào thùng rác gia đình và công cộng.