Quốc hội xem xét nhân sự được đề cử bầu Chủ tịch nước
(Dân trí) - Cuối buổi chiều 24/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Nhân sự được đề cử là Chủ tịch nước đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc.
Cụ thể, tờ trình số 10/TTr-UBTVQH15 nêu rõ, nhân sự được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu cho vị trí nguyên thủ quốc gia nhiệm kỳ mới là ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 (từ tháng 4/2021), đại biểu Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình phương án nhân sự này dựa trên Công văn số 168-CV/VPTW ngày 5/3/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị về việc giới thiệu nhân sự đảm nhiệm chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; căn cứ điểm 2 Nghị quyết số 01-NQ/TW ngày 9/3/2021 Hội nghị lần hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc giới thiệu chức danh lãnh đạo chủ chốt cơ quan nhà nước khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 để Quốc hội bầu theo quy định.
Đánh giá về nhân sự được đề cử, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: "Trong quá trình công tác, ông Nguyễn Xuân Phúc luôn chấp hành nghiêm sự phân công của Đảng, Nhà nước, nỗ lực công tác và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê Quảng Nam. Ông có 4 khóa làm Ủy viên Trung ương Đảng (X, XI, XII, XIII), 3 khóa làm Ủy viên Bộ Chính trị (XI, XII, XIII) và 4 khóa làm đại biểu Quốc hội (XI, XIII, XIV, XV).
Ông Phúc lần đầu được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 1/2011. Đến tháng 1/2016, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và tái đắc cử ủy viên Bộ Chính trị.
Tháng 1/2021, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông tái cử Ủy viên Trung ương và được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị khóa thứ 3 liên tiếp.
Tại cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XV vừa qua, ông được cử tri TPHCM bầu làm ĐBQH với tỷ lệ 96,65%.
Trước khi được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước lần này, ông Phúc đã được Quốc hội khóa XIV tín nhiệm bầu giữ chức vụ này tại kỳ họp cuối cùng của khóa.
Phát biểu nhậm chức thời điểm đó, trước Quốc hội và Nhân dân cả nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, tận tâm, tận lực, trách nhiệm, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được hiến pháp và pháp luật quy định.
Ông cũng cam kết sẽ phối hợp, cộng tác chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân.
Nhìn nhận về "chuyến hải trình" trước mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, con tàu Việt Nam ta sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn, đó là khi có cả những thời cơ và thách thức đan xen.
Tuy nhiên, ông tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam, với sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả để đến bến bờ bình an và hạnh phúc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao niềm tin của người dân đồng lòng hành động xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Khẳng định cha ông ta đã làm nên những trang sử hào hùng, được viết bằng mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ, Chủ tịch nước bày tỏ niềm tin mãnh liệt rằng: tiếp nối truyền thống hào hùng sẽ có nhiều chương sử mới viết tiếp những kỳ tích tiến lên giàu mạnh, hùng cường của đất nước ta, và dân tộc ta.