Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: "Lãng phí lớn quá, rất sốt ruột"
(Dân trí) - Bên cạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý phải phòng chống lãng phí. Ông gợi ý năm 2025 chọn một vụ việc để thanh tra, vì hiện nay "lãng phí lớn quá, rất sốt ruột".
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành thanh tra sáng 28/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ghi nhận nhiều điểm sáng của ngành về phát hiện sai phạm, đề nghị xử lý, thu hồi khối lượng tài sản lớn cho Nhà nước và chuyển cơ quan điều tra hơn 200 vụ việc.
"Đây là kết quả tốt, góp phần quan trọng duy trì kỷ luật, kỷ cương của đất nước", Phó Thủ tướng đánh giá.
Ông Bình nhận định ngành thanh tra đã thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung làm tốt công tác xây dựng thể chế, nhất là thể chế chuyên ngành.
Công tác phòng, chống lãng phí cũng là một điểm sáng của ngành thanh tra, được Phó Thủ tướng ghi nhận. "Lãng phí gây hậu quả rất lớn. Chúng ta lãng phí rất nhiều về nguồn lực, nhân lực, thời gian. Tình trạng này đang rất nghiêm trọng", lãnh đạo Chính phủ nêu thực tế.
Ông hoan nghênh Thanh tra Chính phủ cùng bộ, ngành liên quan đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố; tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án năng lượng tái tạo.
Việc này, theo Phó Thủ tướng, sẽ khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại như tỷ lệ xử lý, thu hồi sau thanh tra chưa cao, còn khiếu kiện đông người; một số kết luận thanh tra "chưa tâm phục, khẩu phục", chưa "thấu tình đạt lý" và khả thi.
Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh tra còn chưa đều, nhất là thanh tra ở cấp huyện.
Nói về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy, xác định kỹ hơn chức năng nhiệm vụ của thanh tra.
Bên cạnh phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, qua thanh tra phải phát hiện những sơ hở về cơ chế, chính sách để tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách.
"Để làm việc này, thanh tra phải rất giỏi. Thanh tra phải phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, không trở thành lực cản", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo ông, mục tiêu cao nhất của thanh tra là duy trì kỷ cương, phép nước, trật tự pháp luật. Vì thế, toàn ngành cần nâng cao chất lượng hoạt động, kết luận thanh tra phải thấu tình, đạt lý. Bên cạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải phòng, chống lãng phí.
"Cuộc sống đang chờ đợi thanh tra hướng dẫn cho cơ sở nhận diện như thế nào là lãng phí và phải tập trung như thế nào để phòng, chống, xử lý lãng phí", Phó Thủ tướng nói và gợi ý năm 2025 nên chọn thanh tra một vụ việc để từ đó tổng kết, trở thành hướng dẫn chung.
"Lãng phí lớn quá các đồng chí, rất sốt ruột", Phó Thủ tướng bày tỏ tại hội nghị.
Phát hiện vi phạm kinh tế gần 158.000 tỷ đồng
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, năm nay đã có 6.673 cuộc thanh tra hành chính và gần 119.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện.
Qua đó phát hiện vi phạm kinh tế gần 158.000 tỷ đồng, 245 ha đất. Cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể và trên 9.000 cá nhân.
Toàn ngành thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ việc với 173 đối tượng.
Cũng theo báo cáo, các cơ quan đã xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập với 6.775 người, qua đó kỷ luật 10 cán bộ do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.