Phó Thủ tướng: “Bộ đội Việt Nam tạo niềm tin tại khu vực xung đột thế giới”
(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Ở khu vực có xung đột hay các vấn đề bất ổn xảy ra trên thế giới, hình ảnh bộ đội Việt Nam với mũ sao vàng, luôn luôn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đã đóng góp, tạo niềm tin cho những con người nơi đây”.
- Phóng viên: Nhân dịp năm mới, xin kính chúc Phó Thủ tướng và gia đình luôn dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng! Thưa Phó Thủ tướng, những năm qua Việt Nam đã tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ), từ cuối năm 2018 Việt Nam được LHQ chọn làm địa điểm huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác này?
- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ đã thể hiện chúng ta là thành viên có trách nhiệm của LHQ. Tôi đã tham gia vào tiến trình đi đến quyết định này từ rất lâu. Có thể nói, tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ là quyết định ở tầm khác hẳn trước đây của Việt Nam, khi chúng ta chỉ tham gia các hội nghị quốc tế hay các diễn đàn quốc tế.
Tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình thể hiện chúng ta mong muốn đóng góp vào việc xây dựng hòa bình ở trên thế giới chứ không chỉ ở khu vực. Các nước rất kỳ vọng sự tham gia của Việt Nam, nhất là ở khu vực có xung đột hay các vấn đề bất ổn xảy ra, hình ảnh bộ đội Việt Nam với mũ sao vàng, luôn luôn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đã đóng góp, tạo niềm tin cho những con người nơi đây. Sự tham gia của Việt Nam vừa thể hiện trách nhiệm, vừa đáp ứng mong mỏi, yêu cầu của những khu vực đó.
Chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình từng bước, từng bước, từ con số 1, 2 người cho đến nay đã có 29 cán bộ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Trong năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam cử bệnh viện dã chiến cấp hai với số lượng 63 quân nhân, trong đó có 10 nữ, một hình ảnh rất đẹp.
Cho đến nay, LHQ đánh giá rất cao các hoạt động của chúng ta, nhất là bệnh viện dã chiến cấp hai tại Nam Sudan, một nơi đang diễn ra chiến sự hết sức quyết liệt. Điều này thể hiện quyết định sáng suốt của chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
- Việt Nam đang ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) nhiệm kỳ 2020 - 2021, xin Phó Thủ tướng cho biết cơ hội và thách thức, vị thế quốc tế của Việt Nam trong việc ứng cử này?
- Việt Nam đang ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 6 này. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2008-2009, Việt Nam đã là ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ, khi ứng cử lần đầu tiên chúng ta đã giành được số phiếu rất cao, thể hiện các nước thực sự tin tưởng vào Việt Nam có thể đảm nhận vai trò này.
Sau 10 năm, với những đóng góp của Việt Nam trong giai đoạn 2008-2009 tại ĐHBA LHQ cũng như vai trò, vị thế của Việt Nam hiện nay, các nước sẽ đặt tin tưởng ở mức cao hơn, kỳ vọng cao hơn về vai trò của Việt Nam trong vai trò ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Điều đó vừa là cơ hội để chúng ta hy vọng có số phiếu cao nhưng cũng là thách thức khi phải đáp ứng kỳ vọng của các nước.
Giai đoạn trước Việt Nam đã tham gia, nhưng giai đoạn này phải có sự tham gia chủ động, tích cực hơn tại LHQ. Hiện nay, chúng ta rất mừng khi được nhóm châu Á nhất trí đề cử là ứng cử viên duy nhất vào HĐBA, thể hiện sự tin cậy của nhóm các nước châu Á.
Việc trở thành thành viên của HĐBA LHQ có nghĩa chúng ta không chỉ quan tâm tới vấn đề của chúng ta, vấn đề của khu vực mình mà đã tham gia vào vấn đề toàn cầu, có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu, nhất là với an ninh, hòa bình, chiến tranh của các nước trên thế giới, thể hiện vai trò trách nhiệm của chúng ta cao hơn.
Đây là cơ hội chúng ta thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư. Khi là Chủ tịch ASEAN 2020 và đồng thời trúng cử đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam có cơ hội rất lớn nhưng gánh nặng cũng tăng lên không chỉ gấp 2 mà thậm chí gấp 10 lần.
Hiện nay chúng ta đang chuẩn bị hết sức tích cực, với những kinh nghiệm của lần làm thành viên của HĐBA LHQ trước, lần này với những vấn đề khó khăn phức tạp hơn, chúng ta hết sức chủ động, nhất là phải có sự phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.
- Năm 2020 Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, xin Phó Thủ tướng cho biết sự chuẩn bị của Việt Nam cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN sắp tới?
- Năm 2020 nước ta sẽ là Chủ tịch ASEAN. Đây cũng không phải lần đầu tiên vì năm 2010 nước ta cũng là Chủ tịch ASEAN. Chúng ta đã chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN từ rất sớm.
Cuối tháng 12/2018 chúng ta đã thành lập Ủy ban quốc gia về ASEAN 2020. Với bản chất luôn chuẩn bị trước thì đây cũng là kinh nghiệm mà chúng ta gặt hái được nhiều thành công khi chúng ta là nước chủ nhà APEC.
Chúng ta đang chuẩn bị về nội dung để đảm bảo sự thành công về nội dung cho năm ASEAN 2020; đảm bảo về hậu cần, lễ tân, địa điểm, khâu tổ chức. Về vấn đề này, chúng ta đã có kinh nghiệm tốt và chúng ta tin rằng khâu tổ chức của chúng ta sẽ rất thành công, như điều chúng ta được nói là "Việt Nam là địa điểm đã tổ chức là thành công". Khâu thứ 3 là năm 2020 chúng ta phải quảng bá, nâng tầm Việt Nam hơn nữa.
Đây là 3 vấn đề chính để chuẩn bị cho vị trí Chủ tịch ASEAN 2020, và phải có tính lan tỏa của nước Chủ tịch. Vì vậy chúng ta đã lập Ủy ban quốc gia từ rất sớm để có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho vai trò nước Chủ tịch.
Điều quan trọng nhất hiện nay là nội dung của năm ASEAN 2020, với tinh thần như chỉ thị của Ban Bí thư mới đưa ra là có tinh thần chủ động, tích cực, dẫn dắt trong vấn đề này, phải được thể hiện trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Tình hình ASEAN hiện nay về cơ bản là tích cực, cộng đồng ASEAN có tiến triển tốt, nhưng không phải không có khó khăn trong vấn đề nội bộ, điều đó đặt ra vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 phải hết sức chủ động, hiệu quả và sáng tạo.
- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Châu Như Quỳnh