Phó Chủ tịch Quốc hội: Thảo luận kinh tế xã hội, tháng 5 na ná tháng 10!
(Dân trí) - Cho ý kiến tại phiên họp đánh giá kết quả kỳ họp thứ 8, chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 9 của UB Thường vụ Quốc hội ngày 18/12, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách tại kỳ họp tháng 5 các đại biểu vẫn nêu lại những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân... như đã nêu tại kỳ tháng 10 năm trước…
Cụ thể, tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội góp ý, nên có sự đổi mới trong các phiên thảo luận tại Quốc hội, nhất là những vấn đề liên quan đến kinh tế xã hội.
Theo thông lệ, mỗi kỳ họp Quốc hội trong phiên khai mạc Chính phủ đều trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội. Kỳ họp tháng 10 thì báo cáo tình hình cả năm đó, còn kỳ họp tháng 5 năm sau thì báo cáo bổ sung những tháng cuối năm của năm trước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, người trực tiếp điều hành các phiên thảo luận nhận xét, báo cáo bổ sung của Chính phủ trong mỗi kỳ họp tháng 5 về cơ bản cũng không có gì mới so với báo cáo đã trình cuối năm trước, cứ diễn mãi thì thực sự là hình thức, bao nhiêu khóa vẫn thế này.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn: “Không biết có phải tại kỳ họp Quốc hội, không được thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội trong phiên được truyền hình trực tiếp thì đại biểu thấy bứt rứt không? Theo tôi thì chỉ cần gửi báo cáo cho đại biểu, còn nếu thảo luận thì chỉ tập trung xem tổ chức thực hiện có gì vướng mắc không, tốt nhất là chỉ gửi báo cáo, đại biểu vẫn có thông tin đầy đủ”.
Kỳ họp tháng 5, theo Phó Chủ tịch Quốc hội nên là kỳ xây dựng luật, còn kỳ họp cuối năm chủ yếu dành cho kinh tế xã hội, ngân sách, chỉ xem xét những vấn đề cần xử lý ngay về kinh tế, xã hội, ông Hiển góp ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, kỳ họp giữa năm nên càng rút ngắn thời gian càng tốt. Bà mong muốn có hướng đổi mới hoạt động thảo luận để đại biểu đừng đọc bài đã chuẩn bị sẵn, đánh giá giống nhau, lặp lại.
Bộ trưởng nói nhanh… như tên lửa!
Trình bày báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 8, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, số lượng đại biểu Quốc hội vắng mặt tại các phiên họp đã giảm so với các kỳ họp trước.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, số đại biểu vắng vẫn còn nhiều.
Có hôm họp tổ chưa được 50% đại biểu dự, một số đại biểu vắng do khách quan nhưng một số thì không phải, Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hồi âm, đại biểu vắng thì kiểm soát rất chính xác, nhưng cũng chỉ có thể nhắc nhở chứ không có chế tài gì cả. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng cũng phải quen dần vì đại biểu kiêm nhiệm, có việc gì gấp ở địa phương thì đại biểu phải về.
Ông Phúc cũng nhận định, việc tổ chức kỳ họp thứ 8 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm.
Đó là, một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao, chậm gửi hồ sơ tài liệu. Chính phủ đề nghị bổ sung gấp nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung đã được lưu ý từ rất sớm, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp.
Vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường, nhưng tài liệu lại đóng dấu “mật”, gây khó khăn, lúng túng trong sử dụng thông tin của đại biểu Quốc hội, cũng như cơ quan thông tấn báo chí.
Trong việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số vấn đề quan trọng, tỷ lệ đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến còn thấp so với tổng số đại biểu Quốc hội.
Việc giải quyết đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa triệt để, nên tình trạng khiếu kiện đông người trong thời gian diễn ra kỳ họp vẫn còn phức tạp.
Hạn chế nữa là một số chất vấn còn dài dòng, chưa rõ ý, việc thảo luận, tranh luận có lúc chưa hiệu quả. Một số phần trả lời của bộ trưởng, trưởng ngành còn chung chung, chưa đúng trọng tâm.
Bình luận nội dung này, Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận xét, một số bộ trưởng ăn nói lưu loát nhưng phát biểu nhanh "như tên lửa" thì dân làm sao nghe được, trong khi đó yêu cầu đặt ra là không chỉ tương tác với đại biểu mà còn với cử tri.
Phương Thảo