Nơi yên nghỉ của cố Tổng Bí thư Trần Phú
(Dân trí) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư Trần Phú không dài nhưng đã để lại một tấm gương sáng chói về chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản.
Cố Tổng Bí thư Trần Phú sinh ra trong một gia đình trí thức nho học giàu lòng yêu nước. Ông nổi tiếng với câu nói: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu". Ông hy sinh khi mới 27 tuổi.
Khu di tích Trần Phú nằm ở xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) với diện tích hơn 5ha gồm 3 phần: Khu mộ, nhà thờ và nhà lưu niệm.
Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú đặt trên núi Quần Hội, ở thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh, diện tích khoảng 4,7ha, được khởi công xây dựng vào tháng 1/2000, hoàn thành vào tháng 4/2004, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh năm 1931. Năm 1999, hài cốt của ông được di dời từ Công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TPHCM) về an táng tại quê hương xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Năm 1992, Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Trong khuôn viên di tích có hồ nước rộng, ở giữa là nhà Thủy tạ. Hồ nước này trước đây là một nhánh cụt của sông La chảy qua huyện Đức Thọ, sau đó được đắp đất ngăn lại thành hồ.
Khu lăng mộ nằm ở độ cao 24m so với mực nước biển, các bậc thang lên xuống được làm bằng đá xanh, xung quanh khuôn viên cây xanh bao phủ.
Nhà trưng bày ở thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh cách khu mộ khoảng 1,5km được xây dựng vào năm 1998, diện tích 160m2, là nơi lưu giữ, giới thiệu gần 300 hiện vật, kỷ vật, tài liệu, hình ảnh gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Phú và gia phả họ Trần từ đời thứ 15-18.
Tài liệu liên quan hoạt động cách mạng do Tổng Bí thư Trần Phú soạn thảo được bảo quản kỹ càng tại khu nhà lưu niệm.
Rễ tre, mảnh ván quan tài nơi khai quật phần mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú tại Công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TPHCM) ngày 5/1/1999.
Phía trước khu mộ Trần Phú là bến Tam Soa - nơi giao nhau giữa 3 con sông: Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La. Dòng nước chảy quanh như ôm lấy ngọn núi, hai bên tả, hữu đều có núi bao bọc, tạo nên một địa thế rất đẹp.
Đường dẫn lên khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú với 2 hàng cây xanh ngát.
Ông Lê Doãn Thắng, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Trần Phú cho biết, mỗi năm có khoảng một vạn du khách trong nước và quốc tế đến quần thể khu di tích tham quan, thắp hương tri ân cố Tổng Bí thư Trần Phú.
Cố Tổng Bí thư Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại tỉnh Phú Yên; nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình trí thức nho học giàu lòng yêu nước. Năm 1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành Chung do Trường Quốc học Huế tổ chức, ông đi dạy học. Một thời gian sau đó, ông đã thôi nghề dạy học, tập trung cho hoạt động cách mạng.
Năm 1925, ông tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong tổ chức Hội Phục Việt. Tháng 10/1926, Trần Phú được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cộng sản đoàn. Đầu năm 1930, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông (Nga) ông trở về Hà Nội và được bầu vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời, được phân công soạn dự thảo Luận cương chính trị.
Trần Phú là một trong những người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến với lý tưởng cộng sản, ông hiểu sâu sắc rằng con đường duy nhất để cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi hoàn toàn là con đường Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Độc lập cho dân tộc phải gắn với xóa bỏ tận gốc mọi áp bức, bóc lột, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người.
Tháng 10/1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hương Cảng (Trung Quốc), Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến năm 1931, ông đã bị kẻ thù bắt giữ. Sau khi bắt ông, quân địch đã dùng nhiều thủ đoạn tra tấn tàn ác, dụ dỗ mua chuộc nhưng vẫn không khuất phục được ý chí của người cộng sản kiên trung. Trước những đòn tra tấn tàn độc của kẻ thù, tháng 9 cùng năm, ông hy sinh khi vừa mới 27 tuổi.
Trước khi hy sinh, Tổng Bí thư Trần Phú đã nhắn nhủ các đồng chí của mình "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu". Câu nói nổi tiếng của ông đã trở thành vũ khí, phương châm, lý tưởng sống, ý chí quyết tâm phấn đấu, cống hiến của các thế hệ cán bộ, đảng viên và tuổi trẻ Việt Nam.
Mặc dù quãng đời hoạt động cách mạng không dài, nhưng ông đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ sôi động, quyết liệt nhất của những năm 1930-1931; là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập. Ông cũng là tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp với ý chí, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.