Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 1/2023
(Dân trí) - Từ tháng 1/2023 Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh, Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ cấu tổ chức mới của các bộ ngành và quy định liên quan đến sổ hộ khẩu chính thức có hiệu lực.
Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị
Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, từ sau ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ hết hiệu lực.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 104 sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Trong đó, Nghị định 104 nêu rõ 4 phương thức sử dụng thông tin cư trú của công dân thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy:
Thứ nhất, tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ hai, tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID.
Thứ ba, sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QR Code hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân gắn chip.
Thứ tư, là các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Luật Cảnh sát cơ động có hiệu lực
Luật Cảnh sát cơ động có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với cảnh sát cơ động.
Luật khẳng định và làm rõ chức năng của cảnh sát cơ động trong việc làm nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Luật cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, xác định nhiệm vụ chính của cảnh sát cơ động là "sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố".
Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và tự nguyện phục vụ trong cảnh sát cơ động; có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cảnh sát cơ động là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào cảnh sát cơ động.
Luật Điện ảnh (sửa đổi) có nhiều nội dung mới phù hợp thực tế
Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 có nhiều điểm mới để phù hợp với thực tiễn. Trong đó việc sửa đổi, bổ sung khái niệm "Phim" đóng vai trò quan trọng, qua đó xác định rõ những loại sản phẩm nào trong lĩnh vực nghe nhìn được Luật Điện ảnh điều chỉnh.
Khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh; chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam.
Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim.
Điểm mới trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
Nghị định số 98/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ 1/1/2023.
So với trước đây, cơ cấu tổ chức mới Bộ Tư pháp đã giảm 2 đơn vị, trong đó sáp nhập Vụ Thi đua - Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ, sáp nhập Cục Công tác phía Nam vào Văn phòng Bộ Tư pháp.
Một số đơn vị được chuyển đổi mô hình theo yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ của Bộ, ngành tư pháp: Chuyển đổi Cục Con nuôi thành Vụ Con nuôi; chuyển đổi Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Viện Khoa học pháp lý được đổi tên thành Viện Chiến lược và khoa học pháp lý nhằm thực hiện Quyết định số 1030/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước có 25 đơn vị
Nghị định 102/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước gồm 25 đơn vị: Vụ Chính sách tiền tệ; Vụ Quản lý ngoại hối; Vụ Thanh toán; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; Vụ Dự báo, thống kê; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính; Vụ Kiểm toán nội bộ; Vụ Pháp chế; Vụ Tài chính - Kế toán; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Truyền thông; Văn phòng; Cục Công nghệ thông tin;
Cục Phát hành và kho quỹ; Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; Cục Quản trị; Sở Giao dịch; Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Viện Chiến lược ngân hàng; Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam; Thời báo Ngân hàng; Tạp chí Ngân hàng; Học viện Ngân hàng.
Trong đó, Vụ Chính sách tiền tệ có 6 phòng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Hợp tác quốc tế có 5 phòng. Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Thanh toán, Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ Dự báo, thống kê có 4 phòng. Vụ Pháp chế có 3 phòng.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có 38 đơn vị
Theo Nghị định 106/2022 (thay thế Nghị định 60/2017) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, cơ quan này sẽ có 38 đơn vị.
Trong đó đã nhập Ban Tổ chức - Cán bộ và Ban Kiểm tra thành Ban Tổ chức - Cán bộ và Kiểm tra; sáp nhập Viện Khoa học năng lượng và Viện Công nghệ môi trường thành Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường.
Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang tiếp tục hoạt động đến hết năm 2024, sau đó thực hiện sáp nhập vào Viện Hải dương học. Viện Khoa học năng lượng và Viện Công nghệ môi trường tiếp tục hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường. Trung tâm Phát triển công nghệ cao và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tiếp tục hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao theo quy định.
Khách hàng có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm trong 21 ngày
Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 1 năm. Theo đó, trong 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Khi đó, hợp đồng bị hủy bỏ và khách hàng được hoàn lại chi phí, sau khi trừ đi chi phí hợp lý nếu có.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không còn 4 tổng cục
Nghị định 105/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực từ ngày 15/1/2023. So với Nghị định 15/2017, Bộ này sẽ không còn 4 tổng cục.
Trong đó, Tổng cục Lâm nghiệp được tổ chức lại thành Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm. Tổng cục Thủy sản được tổ chức lại thành Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư. Tổng cục Thủy lợi tổ chức lại thành Cục Thủy lợi. Tổng cục Phòng, chống thiên tai được thay thế bằng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ sáp nhập với Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường.