1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những phận người “mắc cạn” trên sông Hồng

Gần 30 năm nay, những con thuyền nằm im lìm, bất động trên khúc sông cạn (đoạn qua phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đã trở thành “quê hương” bất đắc dĩ của nhiều hộ dân sinh sống ven sông Hồng.

Gần 30 năm nay, những con thuyền nằm im lìm, bất động trên khúc sông cạn (đoạn qua phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đã trở thành “quê hương” bất đắc dĩ của nhiều hộ dân sinh sống ven sông Hồng.

Xóm “mắc cạn” trên sông

Lần theo con đường đất nhỏ hẹp, chạy ngoằn nghèo ven sông Hồng, chúng tôi ghé thăm làng buôn gốm sứ, nơi mà người dân địa phương thường gọi vui là xóm “mắc cạn”. Xóm nghèo này được ghép nối từ những con thuyền lâu ngày đã hoen gỉ, mục nát nằm san sát nhau trên cửa lạch cạn trơ nước, bao quanh bởi những đám bèo tây.

Những phận người “mắc cạn” trên sông Hồng - 1
Những phận người “mắc cạn” trên sông Hồng - 2

Xóm nghèo được ghép nối với nhau từ những con thuyền đã hoen gỉ, mục nát. Ảnh: Lan Nhi.

Được biết, dân cư ở xóm “mắc cạn” phần lớn đến từ huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc). Họ rời quê hương lên Thủ đô mưu sinh bằng nghề buôn gốm sứ. Khoảng một thập kỷ trở lại đây, do mực nước sông Hồng bắt đầu cạn dần, khiến cho việc di chuyển, buôn bán của họ gặp vô vàn khó khăn. Khi trời còn chưa sáng, người dân trong xóm đã tất bật, thồ những chuyến hàng trên chiếc xe máy, xe đạp cà tàng ngược xuôi khắp phố phường Hà Nội.

Những phận người “mắc cạn” trên sông Hồng - 3
Những phận người “mắc cạn” trên sông Hồng - 4

Từ sáng sớm, các hộ dân ở đây đã tất bật chở những chuyến hàng giao cho các tiểu thương trong thành phố. Ảnh: Lan Nhi.

Anh Bùi Văn Hà (sinh năm 1987, quê ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, những năm sông Hồng chưa cạn nước, khu bến nhỏ ở phường Tứ Liên này là nơi buôn bán đồ gốm sứ khá sầm uất.

Hằng ngày, có đến vài chục chiếc thuyền nhộn nhịp ra vào chở hàng hóa từ làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng gốm Mao Khê (thuộc tỉnh Quảng Ninh) cùng về đây tập kết, lúc nào cũng neo đậu kín cả khúc sông.

Những phận người “mắc cạn” trên sông Hồng - 5

Nhiều hộ dân đã gắn bó với xóm “mắc cạn” 30 năm qua. Ảnh: Lan Nhi.

“Do sống trên thuyền lâu năm nên khổ mấy gia đình anh cũng thấy quen. Trước kia, cả xóm không nhà ai có điện, xô chậu lúc nào cũng chật cứng trên thuyền để kịp hứng nước mưa dùng dần”, anh Hà chia sẻ.

Cũng theo anh Hà, cả xóm “mắc cạn” hiện có hơn 20 hộ dân còn neo đậu dưới sông, số còn lại thu nhập khấm khá hơn nên họ đã bỏ thuyền, lên bờ thuê đất để thuận tiện cho công việc vận chuyển hàng hóa, việc học hành của con cái.

Những phận người “mắc cạn” trên sông Hồng - 6

Những chiếc tua bin phát điện đã được các nhóm tình nguyện lắp đặt, mang ánh sáng về cho các hộ dân nơi đây. Ảnh: Lan Nhi.

Vẫn “lênh đênh” ngay cả khi lên bờ

Mặc dù đã thoát khỏi cảnh ngày ngày lênh đênh trên sông nước, thế nhưng nỗi lo lắng nhất của nhiều hộ dân ở làng gốm sứ ven sông chính là mùa nước lên. Có năm nước lớn ào ạt đổ về khiến con đê quai ngăn dòng, chặn nước cũng vỡ... bao nhiêu đồ đạc, hàng hóa của người dân bị hư hỏng nặng, tài sản tích cóp trong nhiều năm cũng lẳng lặng theo dòng nước cuốn đi.

“Cuộc sống bấp bênh là vậy nhưng vì công việc mưu sinh nên gia đình tôi vẫn ở đây bám trụ suốt 30 năm qua. Đi buôn nhỏ lẻ kiếm từng đồng, chúng tôi cũng chỉ mong con cái có điều kiện để học hành tử tế, không phải vất vả như cha mẹ chúng”, ông Lê Khắc Tuấn (sinh năm 1973, thôn Thọ Lão, xã Đức Bác) tâm sự.

Những phận người “mắc cạn” trên sông Hồng - 7
Những phận người “mắc cạn” trên sông Hồng - 8

Dù vất vả nhưng ông Tuấn luôn cố gắng để con em được học hành đến nơi đến chốn. Ảnh: Lan Nhi.

Trao đổi với Lao Động, ông Trương Đình Hùng - tổ trưởng tổ 25B (Tứ Liên, Tây Hồ) cho biết, các hộ dân từ huyện Sông Lô đến đây thuê đất nông nghiệp ven sông của người dân địa phương để tạm cư đã diễn ra trong nhiều năm nay. Chính quyền địa phương cũng đã thường xuyên kiểm tra, quản lý và đến nay ở đây chưa xảy ra tình trạng mất trật tự, an ninh xã hội nào.

Theo Lan Nhi - Tùng Giang

Lao động