1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Những công trình làm mãi không xong

TPHCM hiện có nhiều công trình giao thông được triển khai xây dựng từ vài năm nay, với tổng mức đầu tư của mỗi công trình lên đến hàng trăm tỉ đồng. Các công trình được tổ chức khởi công rầm rộ, lãnh đạo thành phố đến dự và chỉ đạo quyết liệt, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì lại làm mãi không xong.

Công trình đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa

 

Sau gần một năm rưỡi khởi công, đến nay, tiến độ thi công mở rộng tuyến đường trên chỉ mới đạt khoảng 20-30%. Sự chậm trễ của dự án đã làm cho bộ mặt của tuyến đường "ngoại giao" - nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến trung tâm thành phố - trở nên hết sức nham nhở.

 

Dọc hai bên đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (NVT-NKKN), đoạn từ đường Trường Sơn đến Điện Biên Phủ (dài 3,8km), hàng trăm căn nhà sau khi giải toả đã mọc lên khá hoành tráng. Trong khi đó, phần đường mở rộng lại ngổn ngang đất đá, trụ điện chống đỡ tạm bợ, còn phần đường chính hiện hữu thì bị cắt xén, xẻ ngang xẻ dọc.

 

Nguyên nhân khiến công trình ì ạch bấy lâu nay là việc di dời và thi công hạ tầng kỹ thuật công trình ngầm như: Điện thắp sáng, bưu điện, cấp nước, thoát nước, ách tắc.

 

Ông Nguyễn Văn Tám - Phó GĐ Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư) thừa nhận rằng, hệ thống công trình ngầm trên tuyến đường chẳng khác nào mớ bòng bong, trong khi mặt bằng phục vụ thi công công trình ngầm chỉ rộng 2,5m, các đơn vị không thể cùng nhau thi công một lúc...

 

Ngoài ra, vẫn còn 6 trường hợp trên địa bàn Q.3, Phú Nhuận chưa bàn giao mặt bằng, đến nay các quận gần như bó tay...

 

Trong cuộc họp mới đây, UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, kể cả bố trí công nhân làm vào ban ngày. Mọi sự chậm trễ tiến độ phải có biện pháp xử lý bổ sung kịp thời để không ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình.

 

Đơn vị nào không thực hiện đúng tiến độ bị xử phạt theo hợp đồng và xử lý cán bộ theo quy định. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, toàn bộ công trình nâng cấp mở rộng đường NVT-NKKN phải xong vào tháng 1/2009.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tám cho rằng, chủ đầu tư khó có thể kiểm soát được thời gian hoàn thành của công trình, vì nó còn phụ thuộc vào các đơn vị xây dựng công trình ngầm.

 

Theo đánh giá, nhanh nhất phải 2 năm nữa tuyến đường NVT - NKKN mới hết tình trạng lem nhem như hiện nay. 

 

Dự án cầu Nguyễn Văn Cừ

 

Những công trình làm mãi không xong - 1

 

Từ ngày khởi công xây dựng đến nay tròn 2 năm, song số phận của cây cầu có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng này vẫn chưa biết đến bao giờ hoàn thành. Hiện toàn dự án vướng khoảng 95 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng.

 

UBND thành phố đã yêu các Q.1 (2 căn), Q.5 (6 căn), Q.8 (87 căn) giải toả xong trước Tết Nguyên đán, nếu không kịp thì hoàn tất các thủ tục để sau Tết bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư.

 

Thực tế đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn giẫm chân tại chỗ. Một cán bộ Cty xây dựng cầu 14 (nhà thầu) cho biết, dù chỉ còn 8 hộ (phía Q.1, Q.5), nhà thầu vẫn không thể thi công được mố M1, trụ T1 (gói thầu số 1), do mặt bằng chật hẹp cùng với công trình ngầm dày đặc dưới lòng đất.

 

Việc xây dựng chậm tiến độ của dự án không chỉ làm ảnh hưởng lưu thông qua lại giữa Q.1, Q.5 với các Q.4, Q.8, mà còn tác động xấu đến dự án đại lộ Đông - Tây. Theo kế hoạch ban đầu, cầu Nguyễn Văn Cừ xây dựng xong và bàn giao mặt bằng (đoạn đường dẫn phía Q.5) cho Ban QLDA đại lộ Đông - Tây vào năm 2004.

 

Do một số trục trặc về điều chỉnh dự án, mãi đến 3/2005, dự án mới được khởi công, nên chủ đầu tư cam kết bàn giao mặt bằng để xây dựng đại lộ Đông - Tây vào 6/2006.

 

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Ngọc Sỹ - GĐ Ban QLDA đại lộ Đông - Tây - hiện công tác giải toả vẫn chưa xong, thì không biết đến khi nào Ban QLDA mới nhận được mặt bằng để thi công.

 

Công tác giải toả gần 100 hộ thuộc gói thầu số 2 ( phần cầu phía Q.8) đã hoàn tất từ khá lâu, và qua 4 lần tổ chức đấu thầu, chủ đầu tư vẫn chưa tìm được nhà thầu.

 

Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Tám, các đơn vị thi công mạnh về cầu đang gặp khó khăn về tài chính (đang xây dựng nhiều công trình trọng điểm khác), nên trong một thời điểm nhất định không có nhà thầu tham gia.

 

Một số trường hợp khác tham gia dự thầu lại bỏ với cái giá cao ngất ngưởng, vì họ sợ gặp rủi ro khi giá vật tư đang biến động tăng giá như hiện nay hay rủi ro trong quá trình thi công một dự án khá phức tạp như cầu Nguyễn Văn Cừ (mặt bằng chật hẹp, công trình ngầm dày đặc...).

 

Dự án cầu - đường Bình Triệu II

 

Những công trình làm mãi không xong - 2
 

 

Dự án BOT cầu - đường Bình Triệu II được khởi công xây dựng rầm rộ vào ngày 3/2/2001, với tổng mức đầu tư 341 tỉ đồng do Cienco 5 làm chủ đầu tư. Đến năm 2003, ngoài hạng mục cầu Bình Triệu II thi công hoàn tất đưa vào sử dụng và đang thu phí giao thông một chiều, tất cả những hạng mục còn lại: Mở rộng quốc lộ 13, mở rộng đường Ung Văn Khiêm, cải tạo nâng cấp cầu Bình Triệu (cũ)... vẫn trong tình trạng im lìm.

 

Một trong nguyên nhân đẩy toàn bộ dự án bị ngừng trệ suốt nhiều năm qua, là do tổng mức đầu tư của dự án tăng đến chóng mặt.

 

Từ 341 tỉ đồng ban đầu, tổng mức đầu tư vào giai đoạn 2003 nhảy vọt lên gần 1.800 tỉ đồng, chủ yếu tăng chi phí đền bù giải toả và điều chỉnh mở rộng QL13 (đoạn ngã tư Kha Vạn Cân - ngã tư Bình Phước) từ 32m lên 53m theo chủ trương của thành phố.

 

Vốn đầu tư tăng gấp gần 6 lần so với dự án duyệt ban đầu, Cienco 5 không thể tiếp tục thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, do vậy thành phố đã quyết định thu hồi lại dự án (sau khi thanh toán khoản kinh phí đã đầu tư cho Cienco 5), chuyển giao cho các đơn vị của thành phố tiếp tục thu phí giao thông và đầu tư tiếp dự án.

 

Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - Sở GTCC được thành phố giao làm chủ đầu tư lập dự án điều chỉnh, và hơn 1 năm nay dự án vẫn nằm trên giấy.

 

Qua tìm hiểu của PV, lẽ ra dự án điều chỉnh đã hoàn tất từ đầu năm 2006, song do có ý kiến của một cá nhân đề xuất, thay vì thực hiện mở rộng quốc lộ 13 từ 32m lên 53m rất tốn kém và lãng phí, thành phố nên xây dựng một tuyến đường mới song song với quốc lộ 13 (đoạn Kha Vạn Cân - ngã tư Bình Phước) hiệu quả hơn.

 

Từ ý kiến này, dự án điều chỉnh bị ngừng lại, và thành phố yêu cầu các đơn vị họp bàn xem lại phương án đề xuất. Sau một thời gian dài khảo sát, nghiên cứu nhận thấy phương án đề xuất không khả thi, thành phố tiếp tục đề nghị hoàn thiện dự án điều chỉnh.

 

Nhưng thời điểm lúc ấy đã vào khoảng cuối năm - thành phố sắp ban hành đơn giá đền bù mới - nên đơn vị tư vấn không thể hoàn thiện dự án, vì năm 2007 khung giá đất cũ không còn phù hợp để tính đền bù cho dân. Vậy là, dự án điều chỉnh tiếp tục lỡ hẹn đến năm 2007.

 

Theo nhận định của một cán bộ thuộc Sở GTCC, tổng mức đầu tư của dự án điều chỉnh chắc chắn không dừng lại ở con số 1.800 tỉ đồng như tính toán của Cienco 5 vào thời điểm 2003, bởi các lý do: Giá trị đất năm 2007 khác thời điểm cách đây vài năm, kinh phí nâng cấp cầu Bình Triệu cũ tăng khoảng 4-5 lần (trước đây dự tính chỉ 13 tỉ đồng)...

 

Dự án điều chỉnh sau khi hoàn chỉnh sẽ được Sở GTCC và các sở, ngành thẩm định trước khi báo cáo UBND thành phố xem xét và trình cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, đến nay vẫn chưa biết đến khi nào dự án cầu Bình Triệu II mới khởi động trở lại.

 

Theo Trần Phan
Lao Động