Nhức nhối nạn sách giả mùa tựu trường

Trường Thịnh

(Dân trí) - Khi nhà trường, phụ huynh và học sinh trên khắp cả nước đang tất bật chuẩn bị cho năm học mới cũng là lúc vấn nạn sách giáo khoa (SGK) giả lại trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.

Điều đáng ngại là hoạt động của những "trùm lậu sách" ngày càng mở rộng về quy mô, tinh vi về thủ thuật, và len lỏi sâu hơn vào hệ thống phân phối, từ đó gây nhiều hệ lụy nhức nhối cho cả cộng đồng.

Những con số gây sốc

Suốt hơn một thập kỷ qua, nạn sách giả diễn tiến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn. Điều này dễ dàng nhận thấy trên hai yếu tố là số lượng và kênh phân phối. Cụ thể, các vụ sách giả được phát hiện ngày càng nhiều và số thành phẩm lần sau thường cao hơn lần trước.

Chẳng hạn, vào tháng 4 năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, triệt phá thành công một đường dây in, gia công, tiêu thụ sách giả gồm cả SGK lẫn sách tham khảo từ lớp 1 đến lớp 12 với số lượng lên đến hơn 3,2 triệu bản. Con số này thực sự gây sốc cho cộng đồng, nhưng điều đáng nói, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Số sách lậu đang được gia công và lưu hành trên thị trường được cho là cao hơn thế gấp nhiều lần.

Không những gia tăng về số lượng, những xuất bản phẩm bất hợp pháp này còn len lỏi sâu vào nhiều kênh phân phối. Nếu như trước đây, sách giả "sống" chủ yếu trên các chiếu sách vỉa hè thì nay chúng đã luồn lách vào tận những cửa hàng lớn, có tên tuổi, thậm chí vào cả trường học.

Nhức nhối nạn sách giả mùa tựu trường - 1
Lực lượng chức năng kiểm tra kho sách lậu. (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp).

Nói về vấn nạn sách giả trước thềm năm học mới, chị T.N.P (Vĩnh Phúc) cho biết: "Nhà mình có hai con đang học trung học. Mỗi mùa tựu trường đã phải lo toan đủ thứ, nào học phí, nào đồng phục, nay lại nơm nớp sợ mua phải SGK giả. Nghe nói vô nhà sách vẫn không tránh được sách giả nên thật sự hoang mang".

Lo lắng của chị T.N.P là hoàn toàn có cơ sở, bởi trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, nhiều phụ huynh đã phản ánh tình trạng mua phải SGK giả từ một số cửa hàng thuộc hệ thống nhà sách khá lớn tại TPHCM và khu vực phía Nam. Cụ thể, sau khi mua bộ SGK tiếng Anh lớp 6 và 7, người mua phát hiện các mã code trên sách không hợp lệ hoặc đã được sử dụng trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh không thể kích hoạt bản sách mềm (tích hợp nghe và đáp án) của những quyển sách này.

Nhức nhối nạn sách giả mùa tựu trường - 2
Sách thật (bên trái) có mã kích hoạt dưới lớp tráng bạc và sách giả (bên phải) không có mã kích hoạt.

Không tiếp cận được nguồn học liệu trực tuyến chỉ là một trong số những thiệt hại mà người mua, người học phải gánh chịu từ nạn sách giả. Đơn cử như với bộ SGK tiếng Anh do Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát (DTP) liên kết với NXB Đại học Sư phạm TPHCM và NXB Đại học Huế biên soạn và phát hành, bên cạnh mã code, còn có 5 điểm chênh lệch rõ rệt giữa sách thật và sách giả. Cụ thể, sách giả có kích thước không chuẩn; bìa mềm, dễ gãy; chữ in mờ, bị chồng nét; màu sắc không đồng đều, lem nhòe; gáy sách đóng cẩu thả, dễ bong tróc hơn so với sách thật.

Bài toán đau đầu của người làm sách

Tình trạng sách giả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh mà còn gây thiệt hại nặng nề trên nhiều phương diện cho tác giả và các đơn vị xuất bản chân chính. Ông Trần Bình Tuyên, Giám đốc NXB Đại học Huế, cho biết: "Mỗi đầu sách được đưa ra thị trường là một công trình dài hơi của tập thể. Đội ngũ tác giả đã tốn rất nhiều chất xám, thời gian, công sức, đặc biệt là với sách giáo khoa - một sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác gần như là tuyệt đối, kỹ thuật in ấn chất lượng cao, đóng thuế phí đầy đủ để được lưu hành hợp pháp… nên rất khó cạnh tranh về giá với các xuất bản phẩm ăn cắp bản quyền, in lậu, cẩu thả".

Đây cũng chính là bài toán chung làm đau đầu rất nhiều đơn vị tư nhân đang tham gia vào lĩnh vực này.

Bà Lê Thị Thu, Phó TGĐ Kinh doanh DTP cho biết thời gian qua, tập đoàn đã nhận được rất nhiều phản ánh về tình trạng sách giả từ người tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín doanh nghiệp, đồng thời gây thiệt hại to lớn về doanh thu.

"Chúng tôi đã thực hiện song song hai biện pháp chính: Một là cung cấp đầy đủ thông tin, hướng dẫn khách hàng cách nhận biết sách giả; hai là nhanh chóng báo cáo đến các sở ngành có liên quan để tìm kiếm sự hỗ trợ. Cụ thể, trong những ngày cuối tháng 8 này, DTP đã gửi công văn đến công an, Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục & Đào tạo các tỉnh, thành… để tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm xử lý các cơ sở in, tiêu thụ, phân phối sách in trái phép trên địa bàn, góp phần ngăn chặn hành vi in ấn, tàng trữ mua bán trái phép các xuất bản phẩm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng cũng như các đơn vị in và phân phối sách hợp pháp", bà Lê Thị Thu cho hay.