Nhiều trường hợp dùng hộ chiếu, thị thực giả để nhập cảnh
(Dân trí) - Cơ quan chức năng phát hiện và từ chối duyệt nhập cảnh hàng trăm đối tượng thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh, có nhiều đối tượng là thành viên của các tổ chức phản động lưu vong, tổ chức khủng bố.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được Bộ Công an gửi tới Bộ Tư pháp.
Thống kê cho thấy, từ năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng của Bộ Công an đã xét duyệt, kiểm tra nhân sự nhập cảnh cho trên 8,8 triệu người nước ngoài, người Việt Nam định cư nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; cấp trên 775.000 thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, trên 854.000 thị thực, 371.000 giấy miễn thị thực; 165.000 thẻ tạm trú và gia hạn tạm trú cho hơn 567.000 trường hợp…
Trong giai đoạn phòng chống Covid-19, đối với người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, thăm thân nhân bị mắc kẹt, chưa thể về nước do các nước tạm đóng cửa biên giới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp, chủ trương, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nước ngoài cư trú tại Việt Nam trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bộ Công an khẳng định, công tác xét duyệt, kiểm tra nhân sự người nước ngoài nhập cảnh vừa nhanh chóng, kịp thời, vừa bảo đảm chặt chẽ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là các sự kiện chính trị, quốc tế lớn của đất nước.
"Thông qua công tác xét duyệt, kiểm tra nhân sự, các cơ quan chức năng đã phát hiện và từ chối duyệt nhập cảnh hàng trăm đối tượng thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh, trong đó có nhiều đối tượng là thành viên của các tổ chức phản động lưu vong, tổ chức khủng bố ở nước ngoài", báo cáo của Bộ Công an cho hay.
Ngoài ra, chính sách cấp thị thực điện tử đã được luật hóa, có hiệu lực từ 1/7/2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến ngày 15/3/2022 mới chính thức thực hiện. Từ đó tới nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã cấp trên 700.000 thị thực điện tử cho người nước ngoài; số lượng người nước ngoài được cấp thị thực điện tử tăng nhanh so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Công tác xét duyệt nhân sự cấp thị thực điện tử bảo đảm chặt chẽ, không để lọt các trường hợp người nước ngoài thuộc diện chưa cho nhập cảnh Việt Nam.
Từ 15/4/2022 đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, mở cửa, tiếp tục trạng thái bình thường mới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an đề xuất Chính phủ khôi phục lại việc thực hiện cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 13 quốc gia (Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus) trong thời hạn 3 năm từ 15/3/2022 đến 15/3/2025.
Do vậy, lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã bắt đầu tăng trở lại - năm 2022 có trên 3,6 triệu lượt người.
"Qua công tác kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng hộ chiếu, thị thực giả, thuộc diện chưa cho nhập cảnh Việt Nam, không đủ điều kiện nhập cảnh. Đồng thời đã phát hiện và xử lý một số vụ vận chuyển hàng cấm qua đường hàng không liên quan đến an ninh quốc gia, như vận chuyển vũ khí hoặc chi tiết vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ,…", Bộ Công an thông tin.
Về quản lý người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, Bộ Công an đánh giá người nước ngoài nhập cảnh cư trú tại các tỉnh, thành phố là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế hoặc nhiều điểm du lịch như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Dương…
Bộ Công an đã chủ động kiểm tra, nắm bắt di biến động của người nước ngoài tại Việt Nam (thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc, chương trình làm việc), phát hiện những nguy tiềm ẩn trong việc người nước ngoài di cư bất hợp pháp từ nước đang có dịch Covid-19 sang Việt Nam.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chỉ đạo lực lượng xuất nhập cảnh các địa phương chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát được số người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Qua công tác quản lý cư trú đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp người nước ngoài cư trú trái phép hoặc có những vi phạm pháp luật khác.