1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhắn tin biết tắc đường: Có đảm bảo chính xác?

(Dân trí) - “Trong hệ thống của chúng tôi có việc kiểm tra xem chất lượng báo cáo như thế nào và bên chỗ cảnh sát họ rất quan tâm đến việc quản lí nhân viên của họ để bảo đảm thông tin chính xác ”- bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc kinh doanh Cty Gapit nói về dự án cung cấp <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2007/10/200151.vip">bản tin giao thông trực tuyến</a> trên di động.

Dự án nhằm cung cấp thông tin về tình hình giao thông chung của thành phố Hà Nội cũng như tình hình giao thông tại các nút giao thông cụ thể (qua tin nhắn SMS) nhắm giúp người tham gia giao thông tự điều tiết, tự phân luồng khi tham gia giao thông.

Các bên tham gia dự án là Cty Gapit và phòng CSGT mong đợi gì ở dự án này, thưa bà?

Chúng tôi chờ đợi sự ủng hộ của người dân tham gia đồng thời cũng mong các kênh truyền thông cố gắng truyền tải được dịch vụ này đến mọi người. Trong thời đại ngày nay, thông tin có lợi thế lớn trong tất cả các lĩnh vực và không loại trừ lĩnh vực này.

Người dân ra đường nếu nắm được thông tin trên đường cái như thế nào, ách tắc ra sao, họ sẽ tự điều tiết được thời gian của họ, tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm sức lực. Vì thế, về phía công ty, chúng tôi cho rằng đây là một giải pháp mang lại tiện ích cho chính người dân. Về phía phòng cảnh sát cũng mong muốn thông qua tiện ích này có thể giúp người dân hiểu được, chia sẻ được những khó khăn của họ, góp phần tích cực vào việc giảm tải ở các nút ách tắc.

Khi xây dựng dự án, các bên có tính toán dự án sẽ đóng góp như thế nào vào việc chống ùn tắc hay cụ thể hơn là giảm được bao nhiêu phần trăm ùn tắc?

Cái này phải theo lộ trình. Có nghĩa là khi mình thu hút được nhiều người dân tham gia thì việc cảnh báo đến được nhiều người dân hơn và đồng thời giúp giảm tải ách tắc. Còn tính toán cụ thể giảm tải bao nhiêu % tôi nghĩ để nói ra bây giờ sẽ hơi sớm. Sau khoảng hai tháng thử nghiệm nữa chúng tôi sẽ có những tính toán ban đầu.

Nhưng nhiều người đặt vấn đề, liệu dự án sẽ phát huy tác dụng ở hướng chống ùn tắc hay phát huy nhiều hơn ở hướng kinh doanh?

Thực ra thì những tiện ích xung quanh công nghệ định vị đã được triển khai ở nhiều nước và cũng đã chứng minh sự thiết thực đối với người tham gia giao thông. Dĩ nhiên bên Gapit sẽ không dừng lại ở cái cơ bản như thế này mà sẽ có hướng phát triển thêm để cung cấp nhiều tiện ích khác cho người tham gia giao thông.

Đây là một hợp tác giữa Gapit với phòng CSGT và trong thời điểm hiện tại, có thể nói  những gì Gapit bỏ ra là mang tính đóng góp. Chúng tôi cũng hi vọng chương trình sẽ  trở thành dịch vụ lâu dài có tính chất bền vững và sẽ đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của mỗi người tham gia giao thông. Cũng hi vọng trong một thời gian dự án có thể làm thoả đáng lợi ích của các bên tham gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Đi cụ thể vào việc nhắn tin sẽ có rất nhiều tình huống có thể xảy ra, chẳng hạn cảnh sát giao thông tại nút giao thông cụ thể vì bận giải toả tắc đường hay vì một lí do gì đó nên không chuyển tải thông tin về các đội. Như thế thông tin đến người đi đường không chính xác, có thể khiến họ... bức xúc?

Chúng tôi cố gắng bằng các kiểm soát của mình để bảo đảm chất lượng thông tin chính xác. Trong hệ thống của chúng tôi có việc kiểm tra xem chất lượng báo cáo như thế nào và bên chỗ cảnh sát họ rất quan tâm đến việc quản lí nhân viên của họ để bảo đảm thông tin chính xác.

Trong ngành công an cảnh sát, yêu cầu chính xác là yêu cầu rất quan trọng. Trong gần một tháng thử nghiệm, chúng tôi không  thấy trường hợp nào nhắn tin sai cho khách hàng. Có nghĩa, tin nhắn đường đông là đường đông, đường tắc là đường tắc, đường bình thường là bình thường...

Tin nhắn báo tắc đường bao hàm cả việc chỉ ra hướng thoát, nhưng những người đứng từ các hướng khác nhau thì hướng thoát của họ cũng khác nhau. Tin nhắn có giải quyết được vấn đề này?

Bên chỗ cảnh sát họ sẽ đưa ra những giải pháp dành cho các hướng khác nhau. Chẳng hạn trong ngã năm sẽ có nhiều hướng thoát và chúng tôi sẽ chuyển tải đúng những nội dung của bên cảnh sát đưa xuống để người sử dụng có thể lựa chọn theo hướng đi của mình.

Nhiều ý kiến cho rằng, đường xá của Hà Nội hiện nay khi tắc thường tắc đồng bộ nên việc đưa ra các hướng thoát cũng vô nghĩa?

Có lẽ câu hỏi này xin nhường cho phòng cảnh sát giao thông, bên chúng tôi chỉ cung cấp hệ thống. Tức là việc đưa ra các bài toán về giao thông nằm trong thẩm quyền của bên cảnh sát giao thông.

Bà nghĩ gì khi dự án cũng chỉ là một trong những giải pháp mang tính cấp bách, trong khi giao thông thành phố đang cần những biện pháp có tính mạnh mẽ hơn?

Trong các cuộc họp về chống ùn tắc cũng đặt ra nhiều vấn đề về sự cân đối giữa cơ sở hạ tầng với sự gia tăng dân số và phương tiện. Nhưng không phải cái gì cũng có thể làm được ngay. Đối với giải pháp lâu dài, phải tiến hành trên rất nhiều khía cạnh khác nhau, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lí rồi thông tin nhưng cố gắng để tất cả các giải pháp đều có thể cùng nhau triển khai và phát triển được. Mình không thể nói giải pháp này tốt hơn, giải pháp kia tốt hơn mà phụ thuộc vào sự phối hợp đồng bộ các giải pháp như thế nào.Về phía bên công ty chúng tôi, trong việc cung cấp dịch vụ này cũng có lộ trình để phát triển dịch vụ theo hướng tiện ích hơn, tiện lợi hơn cho người sử dụng.

Ý tưởng của dự án này xuất phát từ đâu?

Tôi có học về ngành giao thông và cũng sống trong gia đình mà xung quanh là những người làm về giao thông. Khi về nước tôi thấy dân mình đi ra đường khổ quá và thậm chí một tháng đầu tiên đi ra ngoài đường tôi không khỏi bịt mũi, hắt xì hơi... Khi bước vào ngành mang tính giải trí nhiều hơn, tôi vẫn nghĩ là tại sao không áp dụng cho giao thông thành phố. Mình có thể tìm ra những giải pháp trên cơ sở hạ tầng hiện có.

Xin cảm ơn bà!

Cấn Cường (thực hiện)