"Nhân sự đặc biệt" không đủ tín nhiệm vẫn giới thiệu ứng cử Quốc hội?
(Dân trí) - Mặt trận Tổ quốc cho rằng, "nhân sự quy hoạch" mà mức tín nhiệm của cử tri không đạt trên 50% thì không thể ứng cử đại biểu Quốc hội. Cơ quan của Quốc hội e ngại việc này không phù hợp Luật Bầu cử.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa thông báo kết luận của UB Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 51 diễn ra ít ngày trước, trong đó có nội dung về các dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử.
Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã ấn định ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là Chủ nhật, 23/5/2021.
Để tạo thuận lợi cho việc triển khai công tác bầu cử gồm rất nhiều bước ở các cấp, Ban Thường trực UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã đề nghị ban hành Nghị quyết liên tịch mới của UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử khóa mới thay thế Nghị quyết liên tịch số 11 năm 2016.
Mục đích của việc xây dựng Nghị quyết liên tịch mới là nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác bầu cử của nhiệm kỳ 2016 - 2021, bảo đảm việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử được khách quan, dân chủ, đúng luật và bảo đảm chất lượng của ĐBQH, HĐND.
Một nội dung đáng chú ý là dự thảo nghị quyết mới đã bổ sung hướng dẫn trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì không đưa vào danh sách ứng cử. Đây cũng là quan điểm của Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam, bởi qua các kỳ bầu cử, nhiều địa phương đã kiến nghị nên có quy định đối với người ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm tại hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác hoặc nơi cư trú mà không đạt trên 50% số cử tri tham dự hội nghị thì không đưa vào danh sách hiệp thương, vì một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của người ĐBQH và đại biểu HĐND là phải được nhân dân tín nhiệm.
Tuy nhiên, cơ quan đề xuất ban hành nghị quyết mới cũng báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì có ý kiến thứ hai cho rằng, nếu tại hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, người ứng cử có số phiếu không đạt trên 50% số cử tri tham dự hội nghị mà không đưa vào danh sách hiệp thương là chưa phù hợp vì Luật Bầu cử không quy định như vậy. Quyền ứng cử là một trong những quyền quan trọng nhất của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Việc tín nhiệm của cử tri nơi công tác; nơi cư trú không thể làm hạn chế quyền công dân. Vì vậy, vẫn phải đưa những người ứng cử này vào danh sách hiệp thương và để hội nghị hiệp thương quyết định.
Không đạt trên 50% tín nhiệm vẫn đưa vào hiệp thương?
Bày tỏ ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch mới, Thường trực UB Pháp luật của Quốc hội tán thành với quy định trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người khác.
Đối với quy định về người được dự kiến giới thiệu ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, đa số ý kiến trong Thường trực UB đề nghị cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.
Lập luận được đưa ra, ứng cử là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến định. Sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú chỉ là một trong những tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Trong khi đó, thành phần hội nghị cử tri ở nơi cư trú quy định trong dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện rõ tính chất đại diện cho toàn thể cử tri ở nơi người ứng cử sinh sống.
Do đó, đề nghị của Thường trực UB là đối với trường hợp không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì vẫn đưa vào danh sách Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để Hội nghị xem xét, quyết định.
Dự thảo nghị quyết liên tịch vẫn đang hoàn thiện để Thường vụ Quốc hội xem xét vào phiên họp tháng 1/2021. Quan điểm của UB Thường vụ Quốc hội trùng với quan điểm của UB Pháp luật về kết quả hội nghị cử tri nơi công tác. Còn với trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử nếu không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú, kết luận của UB Thường vụ Quốc hội là không đưa vào danh sách người ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
UB Thường vụ Quốc hội cũng kết luận, giữ quy định về số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú như quy định hiện hành là 100 cử tri, không tăng lên 150 cử tri như đề xuất của Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam.
Qua xem xét dự thảo các văn bản hướng dẫn công tác bầu cử, Thường vụ Quốc hội thống nhất không quy định điều kiện người ứng cử ĐBQH, HĐND phải có thời gian sinh sống thường xuyên, liên tục tại nơi cư trú từ đủ 6 tháng trở lên tính đến thời điểm tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú, mà quy định khái quát theo Luật Cư trú.
Điểm mới nữa trong các hướng dẫn là không quy định về việc lấy ý kiến cử tri ở nơi gia đình sinh sống đối với người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang mà do đặc thù công việc ít có điều kiện tiếp xúc với nhân dân, chi bộ, tổ dân phố, ban công tác mặt trận ở nơi người đó cư trú.