1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nguy cơ ùn tắc giao thông từ xe buýt nhanh

Hà Nội đang chuẩn bị xây dựng hệ thống xe buýt nhanh trên 2 tuyến Giải Phóng và Giảng Võ - Láng Hạ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, dự án đã bộc lộ nhiều bất cập lớn như: Sẽ gây ùn tắc giao thông, chi phí đầu tư lớn, trùng lặp với các tuyến xe buýt đang khai thác.

Xe buýt nhanh dạng khớp nối dài 18-25 m, chứa tối đa 180 người, chạy trên làn đường riêng với tần suất khởi hành 2 phút một chuyến. Xe buýt sẽ không phải dừng đỗ tại các nút giao cắt, mà các phương tiện khác phải nhường đường thông qua hệ thống đèn tín hiệu .

 

TS Phan Lê Bình, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, khi triển khai xe buýt nhanh, tình hình ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ xảy ra do phần đường dành cho các phương tiện còn lại bị thu hẹp.

 

Làn đường dành riêng cho xe buýt là 3,5m, theo ông Bình, là quá rộng bởi chiếc xe có bề ngang khoảng 2,2m. Đơn vị dự án cần thu hẹp làn đường đến mức tối thiểu để giảm tối đa ùn tắc cho các phương tiện khác. Vấn đề khác là phải cấm đỗ ôtô trên lòng đường, bởi sẽ gây ra ùn tắc nặng hơn.

Theo TS Orapim Pimcharoen, Chuyên gia Phòng quy hoạch đô thị Bangkok, Thái Lan, chính quyền cần thuyết phục người dân hiểu rõ thực trạng giao thông và hiểu rằng một mình chính quyền thì không giải quyết được vấn đề mà cần có sự hợp tác của người dân. Nếu đưa tàu điện, xe buýt vào sử dụng mà người dân không hợp tác và không sử dụng, thì không ai có thể bắt họ phải đi.

 

Khi Thái Lan đưa các loại phương tiện công cộng vào hoạt động thì chính quyền trợ giá để có giá vé thấp, nên đã thu hút đông đảo người dân sử dụng.  

 

"Với tuyến Giải Phóng có thể dùng xe buýt nhanh dạng khớp nối 2 toa, còn tuyến 2 đi qua nhiều phố hẹp nên phải cân nhắc thật cẩn thận việc dùng xe 2 toa. Bởi việc di chuyển của những chiếc xe dài 30-40m sẽ ảnh hưởng đến giao thông", ông Bình nói. Thực tế chỉ có những xe dài 30-40m mới có khả năng vận chuyển được 180 người, gấp 3 lần xe hiện nay.

 

Ngoài ra, chi phí xây dựng xe buýt nhanh ở Hà Nội (2,5 triệu USD cho một km) là quá cao so với các nước khác. Ở Indonesia, đầu tư cho xe buýt nhanh là 14 triệu USD cho tuyến đường 14km (1 triệu USD/km), trong đó có cả việc xây nhà ga ở dải phân cách giữa, làm cầu vượt để hành khách đi đến ga.

 

Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội, khi đưa xe buýt nhanh vào hoạt động chắc chắn thời gian đầu sẽ xảy ra ùn tắc cục bộ, nhất là trên các tuyến đã có mật độ lưu thông quá dày như Đại Cồ Việt, phố Huế, Hàng Bài... Ngoài ra, sẽ ảnh hưởng tới 20 tuyến xe buýt vẫn thường lưu thông trên các tuyến đường này. "Phải tổ chức lại giao thông trên toàn thành phố, nếu không sẽ khó điều hành giao thông công cộng. Xe buýt nhanh và xe buýt thường cần có cơ quan quản lý thống nhất để dễ điều hành", ông Thông nói.

 

Ông Phó tổng giám đốc cũng cho rằng, muốn tránh tình trạng tắc nghẽn thì cần có biện pháp loại bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt nhanh, song đây là vấn đề khó thực hiện trong thời gian hiện nay.

 

Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông đô thị, Sở Giao thông công chính Hà Nội - đơn vị chủ đầu tư, lại cho rằng, thành phố cần xây dựng hệ thống xe buýt nhanh vào trung tâm để giảm tải giao thông nội đô. Kết quả khảo sát nhu cầu đi lại đến năm 2010 cho thấy, hành khách đi xe buýt trên đường Giải Phóng là 9.000 người/giờ, trên đường Giảng Võ là 5.000 người, Nguyễn Thái Học là 7.000 người... Theo ông Lâm, con số này thích hợp với việc sử dụng xe buýt nhanh. Ngoài ra, đơn vị chủ đầu tư cũng khẳng định xe buýt có chiều dài 18-25m, bán kính quay 10m nên có thể quay đầu dễ dàng trên các tuyến đường, thậm chí ở khu phố cổ. Hiện, các xe buýt thường có chiều dài hơn 10m chỉ có khả năng vận chuyển tối đa 50-60 người.

 

Đề cập đến mức độ ảnh hưởng đối với các phương tiện khác, chủ đầu tư cho biết, hiện chưa có kết luận về mức độ ảnh hưởng của xe buýt nhanh với những xe khác. "Chúng tôi đang yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu và trả lời sớm về nội dung này, trước khi trình Chính phủ vào tháng 12 tới " ông Lâm nói.

 

Dự kiến, dự án sẽ triển khai và thi công vào đầu năm 2006 và hoàn thành cuối năm 2008.

 

Tuyến Giải Phóng(dài 13km): xe đi theo lộ trình: đầm Quang Lai (xã Tứ Hiệp, Thanh Trì) - đường Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Phố Huế - Hàng Bài - Hàng Khay - Bà Triệu - Đại Cồ Việt - đường Giải Phóng - đầm Quang Lai. Trên đoạn từ Giải Phóng đến Đại Cồ Việt, xe buýt nhanh sẽ đi theo 2 làn đường ngược xuôi, còn lại sẽ đi một làn dựa theo hiện trạng tuyến đường một chiều hiện nay. Làn dành riêng cho xe buýt rộng 3,5 m.

 

Tuyến Giảng Võ - Láng Hạ (dài 12km) : xe đi từ Hà Đông - quốc lộ 6 - Khuất Duy Tiến - Láng Hạ - Giảng Võ - Nguyễn Thái Học - Phan Bội Châu - Hai Bà Trưng - Hàng Bài - quanh Bờ Hồ - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Trần Phú - Ông Ích Khiêm - Sơn Tây - Kim Mã - Láng Hạ - Khuất Duy Tiến - Hà Đông. Trên tuyến này, xe buýt đi 2 làn đường ngược xuôi từ Hà Đông tới Láng Hạ, còn lại đi theo một làn đường vào khu trung tâm.

 

Theo Đoàn Loan
VnExpress