Người phụ nữ có 64 người cha liệt sĩ
(Dân trí) - Chiều nay, chị Trần Thị Yến lại ra nghĩa trang, thắp hương cho 64 ngôi mộ liệt sĩ vô danh cô quạnh. Chị thủ thỉ với từng ngôi mộ như đang nói chuyện với người thân rồi thầm cầu nguyện mong đứa con trai luôn khỏe mạnh, tự đi được đến trường.
Trời chập choạng tối. Khói hương trầm bảng lảng ngào ngạt khắp nghĩa trang xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng, chị Yến vụng về kéo áo lau nước mắt khi đứa con trai tìm gọi: “Mẹ ơi!”.
64 người cha liệt sĩ
Sinh năm 1965, chị Yến sớm chịu cảnh thiệt thòi khi thiếu vòng tay yêu thương, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ, lớn lên trong sự đói khổ cùng cực với ông bà nội. Cha chị ra chiến trường khi chị còn rất nhỏ và đã hy sinh sau đó. Một năm sau mẹ chị cũng gia nhập đội du kích xã.
Khi cha hy sinh, cô bé Yến mới được 3 tuổi, chưa hiểu nổi sự tàn khốc của chiến tranh gói gọn trong hai chữ “hy sinh” mà cha mình phải gánh lấy. Sau này, chị mập mờ hình dung hình ảnh của cha bằng những lời kể bị ngắt quãng trong nước mắt của bà nội.
Mãi đến năm 2003, một người đồng đội cũ của cha mới tìm được chị Yến để trao lại tấm ảnh thẻ trắng đen theo lời trăng trối trước lúc hy sinh. Nhận tấm ảnh lưu lạc hơn 35 năm đã ngả màu vàng ố, tình máu mủ cha con trỗi dậy khiến chị Yến bật khóc nức nở. Người đồng đội kể rằng ông Trần Văn Thái cha cô đã hy sinh cùng với 63 người đồng đội khác trong trận đánh tại sân bay An Định.
Cứ mỗi cuối tuần, chị Yến lại cùng con trai ra nghĩa trang xã chăm sóc 64 ngôi mộ vô danh mà chị gọi bằng “Cha”.
Có được tấm ảnh thẻ cũ, chị đem phục hồi phóng lớn rồi trang trọng đặt lên bàn thờ xem như báu vật của cha để lại, bên cạnh là Huân chương kháng chiến hạng Nhất và bằng Tổ quốc ghi công. Năm 2003, liệt sĩ Trần Văn Thái cùng 63 người đồng đội hy sinh tại sân bay An Định được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Hoà Phong. Do không xác định được chính xác hài cốt của từng liệt sĩ nên phần mộ của 64 người đồng đội được đặt nằm cạnh nhau trong nghĩa trang với cùng cái tên “vô danh” lạnh lẽo. Chị Yến gọi tất cả những người cùng nằm xuống với ba mình là “Cha” và âm thầm chăm sóc 64 ngôi mộ như cách của người con hiếu thảo.
Mỗi chiều cuối tuần, chị lại dành thời gian ra nghĩa trang cùng nắm hương to cộm trên tay với niềm tin: “Ba tui sẽ được ấm lòng, bớt đi sự lạnh lẽo nơi chín suối”. Rồi chị đến từng ngôi mộ thủ thỉ như đang nói chuyện với người thân cho đến tối mịt mới chịu ra về.
“Tâm nguyện của tui là liên lạc với thân nhân của những liệt sĩ ngoại tỉnh được an táng tại nghĩa trang này để những người nằm xuống được đoàn tụ với gia đình. Chắc người thân của những liệt sĩ cũng mong mỏi như tui ngày trước” - chị Yến day dứt khi đọc bảng danh sách dài dằng dặc ghi tên những liệt sĩ quê ở tận Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội,... chưa tìm được thân nhân.
Ngậm ngùi “Dáng mẹ”
Sống với ông bà nội, chị Yến một buổi đến trường, buổi còn lại ra đồng giữ trâu, cắt cỏ phụ giúp ông bà. Tuổi thơ của chị trôi qua theo những vụ mùa lam lũ, hiếm hoi lắm mới được mẹ về thăm chớp nhoáng. Sau đó, mẹ chị bị trúng đạn nứt đầu, gãy chân; phải liên tục chuyển viện điều trị nên những cuộc gặp chớp nhoáng của hai mẹ con cũng không còn. “Nhiều đêm nằm ngủ, nghe tiếng người đập cửa tui lại vùng dậy tưởng mẹ về thăm”, chị Yến bồi hồi nhớ lại những năm tháng xa cách.
Rồi bà Đãi mẹ chị đi bước nữa với một người thương binh cùng cảnh, chị Yến lủi thủi sống với ông bà nội, mẹ chị tất bật với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền ở gia đình mới nên hiếm khi về thăm con. Năm chị học lớp 6, một lần cô giáo ra đề tập làm văn “Em hãy tả người mẹ thân yêu của mình”. Đọc xong đề bài, cô bé Yến thút thít khóc vì nhớ mẹ, cô giáo cũng ứa nước mắt khi biết hoàn cảnh thiệt thòi của học trò.
Chỉ mấy lần ít ỏi được mẹ về thăm, dòng cảm xúc của cô bé Yến hồn nhiên tuôn trào thành bài thơ “Dáng mẹ”: Cánh cò lặn lội bờ sông/ Mẹ em lặn lội trên đồng ruộng sâu/ Sớm chiều mưa nắng dãi dầu/ Cánh cò trắng, áo mẹ nâu thanh bần/ Hai sương một nắng tảo tần/ Trèo non, lội suối, đồng gần, chợ xa/ Mờ sáng đi, tối về nhà/ Miếng cơm, tấm áo, gói quà nuôi con/...
Đọc xong bài làm văn đặc biệt, cô giáo ôm chị Yến vào lòng rồi nhận chị làm con. Kể từ đó, suốt mấy năm học cấp 2, mỗi lần làm tập làm văn, chị Yến lại lấy thơ ra để tả cảnh, tả người... mà mỗi lần chấm bài cô giáo lại rơi nước mắt.
Ngồi nói chuyện với tôi, bao nhiêu ký ức tuổi thơ của chị lại dội về nguyên vẹn: “Mỗi lần nhớ mẹ, tui lại chạy ra đường cái đứng nhìn những người đàn bà trong làng đi chợ. Tối đó, thường mơ thấy mẹ về ôm tui vào lòng, nói sẽ không đi đâu nữa. Có lần mơ thấy mẹ chết, tui vùng dậy gọi mẹ rồi khóc khiến bà nội nằm bên cạnh cũng khóc theo. Bà nói sẽ tìm mẹ về với tui để dỗ tui ngủ tiếp”.
Đến năm lớp 12, chị Yến thi học sinh giỏi đạt giải nhì môn Văn của tỉnh, được cho ra Hà Nội học nhưng vì hoàn cảnh ông bà nội già yếu không ai chăm sóc, chị không thể đi được. Đậu tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi nhưng không có tiền học tiếp, chị ở nhà làm nông nuôi ông bà nội. “Ước mơ của tui là được làm cô giáo dạy Văn nhưng...”, chị nghẹn giọng không nói thêm được nữa.
Cõng con đi học
Năm 1990, chị kết hôn với anh Thái Quang Tùng (Hoà Quý, Hoà Vang). Một năm sau, cháu Trọng chào đời trong sự đói khổ, thiếu thốn. Quần quật suốt ngày trên đồng vẫn không kiếm đủ cái ăn, anh Tùng nói chị chịu khó nuôi con để anh vào Nam làm ăn rồi đón hai mẹ con vào khi đã ổn định nơi ăn chốn ở. Chị tin tưởng để chồng ra đi, nào ngờ chờ đợi 1 tháng, 2 tháng rồi đến mấy năm trời vẫn không thấy tin tức của chồng, chị mới biết người chồng đã phụ bạc, ruồng bỏ mẹ con chị.
Khai sinh cho đứa con trai đầu lòng, chị lấy theo họ mẹ như muốn quên đi người đàn ông đã chối bỏ trách nhiệm làm chồng, làm cha. Biền biệt đến 9 năm sau, anh Tùng báo tin thú nhận với chị là đã có vợ mới, mẹ con chị liệu bề mà đùm bọc nuôi nhau.
Đã có lúc chị nghĩ quẩn định kết thúc cuộc đời nhưng khi nhìn đứa trẻ ngây thơ vô tội, chị lại thôi. “Tuổi thơ tui đã bơ vơ vì mất cha, thiếu mẹ; tui không muốn con mình lại phải chịu cảnh đó. Dù khổ mấy tui cũng cố gắng nuôi con học hành đến nơi đến chốn để nó khỏi tủi phận”, chị cay đắng nói về đời mình.
Cháu Trọng sinh ra ốm yếu, bị bệnh khớp ngay từ nhỏ. Mỗi khi trái gió trở trời, chân Trọng sưng tấy, đau nhức không đi được, chị Yến lại phải gò lưng cõng con đến trường. Mùa đông năm trước, trên đường cõng con đi học, chị bị trượt chân té ngã, hai mẹ con lấm lem bùn đất trông thật thảm thương. Tối đó, cháu Trọng nói với chị không muốn đi học nữa vì đi học là làm khổ mẹ. Chị ôm con vào lòng giải thích: “Được cõng con đi học là niềm vui của mẹ, con phải cố gắng học giỏi thì sau này mẹ con mình mới hết khổ”.
Bản thân chị Yến cũng bị bệnh hen suyễn, bệnh tim khá nặng. Khi đi làm thuê xa, chị phải mang theo thuốc trong người để kịp lấy uống mỗi khi lên cơn khó thở. Một người hàng xóm của chị cho biết, chị Yến mới bị ngất xỉu ngay tại xưởng làm, nằm viện 3, 4 ngày mới tỉnh lại. Bác sĩ khuyên không nên làm việc nặng, phải nghỉ ngơi một thời gian nhưng chị vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền trả nợ ngân hàng và nộp tiền học cho con.
Hiện cháu Trọng đang học lớp 12A4 trường THPT Ông Ích Khiêm, sức học vào loại khá giỏi nhưng Trọng chỉ nộp đơn thi vào trường Cao đẳng Điện lực miền Trung mà không thi đại học với lý do: “Bớt đi 1 năm để sớm đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ, rồi còn dành dụm để trả khoản nợ 7 triệu đồng mẹ vay của ngân hàng chính sách người nghèo để sửa nhà trong cơn bão năm 2006”.
Lê Hải