Người khiếu nại, tố cáo có được chụp ảnh nơi tiếp dân đưa lên mạng xã hội?
(Dân trí) - Ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định Luật Tiếp công dân không có quy định cấm công dân được tiếp tại trụ sở quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trụ sở tiếp dân.
Cử tri tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang phản ánh, trong nhiều cuộc tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi đến nơi tiếp công dân đã tự ý ghi âm, ghi hình, đưa hình ảnh tại nơi tiếp công dân lên mạng xã hội.
Mặc dù Điều 7 Luật Tiếp công dân đã quy định cơ bản đầy đủ quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi đến nơi tiếp công dân, nhưng không quy định về việc người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi đến nơi tiếp công dân có được ghi âm, ghi hình, đưa hình ảnh tại nơi tiếp công dân lên mạng xã hội hay không.
Chính vì thế, cử tri hai địa phương này đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, trình bổ sung quy định cụ thể về việc này và chế tài đối với việc công dân vi phạm nội quy tiếp công dân.
Trong văn bản vừa ký trả lời cử tri, ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định Luật Tiếp công dân không có quy định cấm công dân được tiếp tại trụ sở tiếp công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm,...
Tuy nhiên, Khoản 8 Điều 6 của luật này quy định nghiêm cấm vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân; đồng thời nêu rõ công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tại nơi tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân.
Đối với vấn đề cử tri nêu, Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu, tiếp thu để ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, nhằm đảm bảo quyền của công dân. Từ đó có căn cứ xử lý đối với những người lợi dụng quyền tự do, dân chủ để thực hiện những hành vi xấu, gây rối trật tự công cộng.
Liên quan đến vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong phân tích, tùy từng trường hợp cụ thể mà pháp luật đã quy định các hình thức xử lý.
Đối với những hành vi vi phạm nội quy tiếp công dân thì Thông tư số 04/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định: Người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp công dân và phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân. Trường hợp từ chối tiếp công dân thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra thông báo từ chối tiếp công dân.
"Hiện nay, các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, xúc phạm cán bộ, công chức, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan nhà nước áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, hoặc pháp luật hình sự", Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ.