1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngôi trường không muốn có học sinh

(Dân trí) - Về trường Giáo dưỡng số 2 (Yên Mô, Ninh Bình), tôi đã được gặp, được nghe và chiêm nghiệm một góc nhỏ “sắc thái của cuộc sống”; như cách nói ngắn gọn của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Bình: “Có thanh thiếu niên hư, ắt phải có nơi để giáo dục, nuôi dạy, định hướng cho các em trở lại con đường đúng đắn”.

Về lý là vậy nhưng tôi vẫn canh cánh “vì đâu các em trở nên hư” và “làm cách nào để nắn lại những bước đi sai lạc ấy”. Câu trả lời có ở đây, khi tôi được đối diện với các thầy, cô và cả các em...

 

Những mảnh đời xiêu vẹo

 

Ngồi trước mặt tôi, cô bé “Tiểu Yến tử” - như bạn bè trong trường vẫn gọi - đã không ngần ngại kể lại quãng đời trước đó của mình. Bố mẹ li dị từ khi em còn nhỏ. Bỏ học, Yến theo đám bạn xấu lang thang đi “bụi”, ngập đầu trong trò chơi bạo lực trên máy vi tính. Hết tiền, chúng rủ nhau đi móc túi, trấn lột của các em học sinh nhỏ. Yến bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi trấn 50.000 đồng của một cậu bé. Chưa đủ tuổi phải chịu án, Yến được đưa vào trường...

 

Nguyễn Mạnh Thắng, 17 tuổi, quê Tuyên Quang, bị bắt vì tội hành hung, trấn lột... Em biết việc mình làm là sai, nhưng em vẫn làm để “chứng tỏ mình” với cha mẹ, những người suốt ngày chì chiết, đay nghiến em là đồ vô tích sự. Thắng đã vào trường được 14 tháng. Mơ ước của em là sau này sẽ đi học lái xe, để tự nuôi sống mình.

 

Còn nhiều, rất nhiều trường hợp như Yến, Thắng được đưa vào trường để sửa chữa những lỗi lầm, dại dột ngoài đời. Mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh là những mảnh đời đáng thương nhưng cũng thật đáng trách.

 

Tôi chú ý đến một bức ảnh chụp đám cưới được treo trang trọng trong phòng khách. Thầy Bình cho biết: “Đó là câu chuyện cảm động mà các thầy cô và các em học sinh của trường đều xem như một tấm gương vượt qua mặc cảm để làm lại cuộc đời”. Chàng trai trong ảnh là Nguyễn Văn May (hay Nguyễn Cơ May như các thầy đặt cho anh). May vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi ở ga tàu. Một người hảo tâm đi qua nhặt được đem về nuôi. Năm anh lên 10, người mẹ nuôi mất. May lưu lạc khắp Hà Nội, Hải Phòng, làm đủ nghề để sống. Dần dần, May kết giao với đám anh chị, tham gia các vụ trộm cắp, móc túi, cướp giật.

 

14 tuổi, May bị bắt, được đưa vào trường. Tình cảm gia đình, tình thương của các thày cô đã cảm hoá May, giúp em nhận ra nẻo sáng. Sau 2 năm, May ra trường, lủi thủi trở lại Hà Nội được mấy ngày, anh bắt xe lộn lại khóc với thầy Nguyễn Quang Sử, nguyên là hiệu trưởng nhà trường, xin được ở lại. Dù theo quy định là không được phép nhưng thương May, các thầy để May ở lại. Anh được ở lại trường, được học lái xe, được các thầy lo cho việc cưới vợ và cho mượn đất làm nhà. Đến nay, anh đã có một gia đình đầm ấm với 2 cô con gái kháu khỉnh. May coi các thầy, cô ở trường như cha, mẹ đã sinh ra anh. Nghe kể, đám cưới của May và cô thôn nữ đất Mai Sơn đông vui nhất huyện Yên Mô thời đó...

 

Không chỉ là những người thầy

 

Ngay cái tên trường đã nói lên nhiệm vụ của các thầy cô ở đây: Giáo (dạy) và Dưỡng (nuôi). Trường Giáo dưỡng số 2 trực thuộc Bộ Công an, các thày cô cũng hầu hết là cán bộ, chiến sĩ công an đã qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm.

 

Thượng tá Trần Bá Luấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường hiện có 134 thầy cô, thường xuyên quản lý, nuôi dạy từ 800 - 1.000 em. Phương châm “quản lý tốt mới giáo dục được” là điều kiện tiên quyết để chúng tôi hoàn thành tổt nhiệm vụ”.

 

Trong số học sinh của trường, 95% đã bỏ học; 99% vi phạm và bị xử lý hành chính (chủ yếu phạm tội trộm cắp, trấn cướp, hành hung...). Theo thầy Luấn, các em vi phạm pháp luật hầu hết đều xuất phát từ suy nghĩ, tâm lý lệch lạc, dẫn đến hành vi xấu. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa đều do các em thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình; cha mẹ bỏ mặc hoặc sống thiếu gương mẫu; các em thiếu sự gắn bó với gia đình, thiếu thốn tình cảm, sống buông thả, hung hãn trong hành vi, mặc cảm, bất cần...

 

Có 20% học sinh trong trường là người dân tộc thiểu số (DTTS). Thầy Bình bảo các em vi phạm pháp luật chủ yếu do nhận thức kém, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình. Thậm chí, có em khi đưa vào trường thì gia đình coi như không còn nữa. Thầy còn nhớ trường hợp học sinh Bàn Văn Bão, người Tày, quê ở Thái Nguyên. Dạo mới vào, em sợ lắm, không nói năng gì. Được các thầy động viên mãi em mới kể ở nhà thày mo nói nếu em xa mẹ 15 ngày sẽ bị ma vật chết. Các thầy phải dùng các biện pháp tâm lý mới giúp Bão yên tâm. Sau 15 ngày, mọi sự đều bình an, Bão mới vui trở lại.

 

Để có được niềm vui này của Bão, các thầy đã phải cùng ăn, cùng ngủ trong 15 ngày ấy để giúp em vượt qua được nỗi sợ hãi. “Chúng tôi có người cả tháng không được về nhà là chuyện thường. Thậm chí có nhiều tết cũng ở lại trường. Năm vừa rồi, thầy Nguyễn Văn Hoàng đưa một em học sinh ra trường về nhà phải ăn tết ở dọc đường đấy” - thầy Bình nói thêm.

 

“Cũng vì sự quan tâm của các thày cô mà mấy năm gần đây không có em nào trốn trường. ý thức của các em được nâng cao, em nào cũng chăm chỉ học tập, rèn luyện để khi trở về hoà nhập với cuộc sống, xã hội dễ dàng. Đó là niềm vui lớn nhất của chúng tôi”, thầy Luấn tâm sự.

 

Tuy nhiên, những điều mà các thầy, cô của trường mong muốn nhất là điều kiện để nhà trường hoạt động hiệu quả hơn còn rất thiếu thốn. “Tự vượt lên chính mình thôi, nhiều khi chúng tôi muốn tạo điều kiện học tập, ăn ở tốt hơn cho các em, nhưng lực bất tòng tâm”, thầy Bình cười buồn: “Với cương vị một nhà giáo, tôi mong muốn mọi điều tốt đẹp nhất khi các em vào trường, nhưng với cương vị một chiến sĩ công an, chúng tôi muốn các em không phải vào trường”.

 

Trần Thường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm