Đắk Lắk:
“Nếu tôi là Bí thư Huyện ủy…”
(Dân trí) - Ngày 19/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Chương trình hành động tuyển chọn Bí thư Huyện ủy. Ngoài bảo vệ đề án, các ứng viên sẽ có phần trả lời câu hỏi "Nếu tôi là Bí thư Huyện ủy...".
30 phút bảo vệ đề án
Mỗi ứng viên có 30 phút trình bày Chương trình hành động của mình và bốc ngẫu nhiên lựa chọn 3 người trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy để đặt câu hỏi chất vấn cho mình. Sau khi ứng viên trả lời xong, Bí thư Tỉnh ủy sẽ đặt câu hỏi cuối cùng cho người dự tuyển.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy công bố công khai kết quả chấm điểm của những ứng viên tham gia tuyển chọn sau khi kết thúc buổi tổ chức tuyển chọn.
Có 5 ứng viên vào vị trí Bí thư Huyện ủy Lắk gồm: bà Nguyễn Thị Thu An (SN 1979) - Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk; ông Hoàng Minh Cương (SN 1965) - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk; ông Nguyễn Văn Hà (SN 1978) - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk; ông Nguyễn Văn Khoa (SN 1966) - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk và ông Võ Ngọc Tuyên (SN 1966) - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk.
Riêng 4 ứng viên vào vị trí Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn điều kiện là người dân tộc thiểu số gồm: ông Ra Lan Von Ga (SN 1968) - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Tây nguyên; ông Y Mơ Mlô (SN 1975) - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk; ông Ya Toan Ênuôl (SN 1970) - Phó Bí thư Thành ủy TP Buôn Ma Thuột và ông Y Jăn Buôn Krông (SN 1971) - Phó Bí thư Huyện ủy Cư Kuin.
Các ứng viên vị trí Bí thư Huyện ủy Lắk trình bày đề án vào ngày 19/3 và ứng viên vào vị trí Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn trình bày đề án vào ngày 20/3.
“Nếu tôi là Bí thư Huyện ủy…”
Kết thúc bài bảo vệ đề án, thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ đặt các câu hỏi tình huống “Nếu là Bí thư huyện ủy sẽ…” cho các ứng viên.
Bà Nguyễn Thị Thu An - Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk là ứng viên đầu tiên bảo vệ chương trình hành động của mình.
Câu hỏi: Là Bí thư Huyện ủy Lắk nếu gặp tình huống tụ tập khiếu kiện đông người, gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự thì sẽ phải xử lý như thế nào? Yếu tố trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lắk?
Ứng viên Thu An cho rằng, nếu là Bí thư Huyện ủy bà sẽ nắm bắt tình hình, nguồn gốc sự việc xác định đây là điểm nóng tại địa phương nào, khiếu kiện ở địa phương nào, địa phương đó tự giải quyết không để tràn lan sự việc. Chỉ đạo, phối hợp cùng công an các cơ quan ban ngành tuyên truyền giải thích, không để những thế lực xấu lợi dụng xúi giục...
Riêng trọng tâm phát triển của huyện Lắk sẽ tập trung chủ yếu vào Nông nghiệp và Lâm nghiệp là trọng tâm vì Du lịch mới chỉ đóng góp khoảng 1,7% cho huyện. Để “thay da đổi thịt” địa phương tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi phương thức sản xuất của đồng bào và cần đi vào sản xuất các sản phẩm chuyên biệt…
Sau phần trình bày của bà An, là phần bảo vệ đề án của ông Hoàng Minh Cương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk.
Ông Cương được đặt các câu hỏi trong cương vị Bí thư Huyện ủy sẽ triển khai nghị quyết mới ra sao? Giải pháp nào để đưa du lịch huyện Lắk thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Ông Cương cho rằng khi có nghị quyết mới sẽ tổ chức tuyên truyền quán triệt nghị quyết để nắm đúng trọng tâm, trọng điểm của nghị quyết một cách kịp thời. Cụ thể hóa nghị quyết (căn cứ vào tình hình thực tế địa phương); phân công nhiệm vụ; xây dựng các kế hoạch hành động và dự phòng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết để có đánh giá.
Riêng về vấn đề phát triển ngành du lịch là kinh tế mũi nhọn của huyện, ông Cương cho biết, tiềm lực của huyện Lắk không thiếu nhưng còn nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ; địa phương có địa thế đẹp, cần thực hiện có điểm kết nối cùng TP Buôn Ma Thuột khi huyện chưa thu hút được khách lưu trú ở lại khi dịch vụ còn hạn chế và cần có nhiều giải pháp mang tính chiến lược để phát triển ngành…
Tiếp đến ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk được đặt câu hỏi: Nếu là Bí thư Huyện ủy Lắk cần phải làm những gì trong thời gian tới? trách nhiệm của Bí thư huyện ra sao?
Trả lời câu hỏi trên, ông Hà cho biết, huyện Lắk là địa phương còn gặp nhiều khó khăn khi 249 hộ di cư tự do, 63% là đồng bào DTTS, 31,99% hộ nghèo nếu là Bí thư nhiệm kỳ tới cần xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện chi tiết các công việc cần thực hiện; xây dựng quy hoạch huyện Lắk; tập trung phát triển các tiềm năng, thế mạnh địa phương; chú trọng công tác cán bộ địa phương để phát triển địa phương…
Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk cho rằng nếu là Bí thư Huyện ủy Lắk để phát triển ngành du lịch địa phương cần tuyên truyền, xúc tiến đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông (nâng cấp QL 27), phát triển nhóm đồng bào dân tộc tại chỗ…
Các khâu đột phá để phát triển kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cần kiện toàn tổ chức xây dựng công tác cán bộ, đặc biệt đội ngũ cán bộ là người đồng bào DTTS; phát triển du lịch; xóa đói giảm nghèo…
Ông Võ Ngọc Tuyên - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk là ứng viên cuối cùng trình bày đề án chương trình hành động, trả lời các câu hỏi, ông Tuyên nêu rõ các giải pháp liên kết phát triển, phát triển hợp tác xã, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tạo điều kiện để các hợp tác xã ra đời, xúc tiến đầu tư, du lịch.
Huyện Lắk nông nghiệp cần chuyển đổi cơ cấu sang chăn nuôi, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, bao tiêu được sản phẩm; lâm nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất nông nghiệp; thương mai – dịch vụ sẽ lấy Hồ Lắk làm trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ các HTX du lịch; đầu tư năng lượng mặt trời góp phần phát triển địa phương...
Ngoài ra, tất cả 5 ứng viên đều trả lời câu hỏi của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường: Trong trường hợp là Bí thư Huyện ủy nếu có xảy ra cháy rừng tại địa phương thì sẽ có những chỉ đạo để xử lý ra sao?
Ông Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết, việc thí điểm tuyển chọn dựa trên cơ sở Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12 về công tác cán bộ (nêu việc thí điểm tuyển chọn cán bộ).
Trong đó, chương trình hành động dù là một bước nhỏ nhưng rất quan trọng để Ban thường vụ đánh giá chính xác, khách quan, công bằng đối với các ứng viên.
Đối với các ứng viên tham gia tuyển chọn sẽ có thời gian tìm hiểu về địa phương, xây dựng được những chương trình hành động thiết thực và khi được nhận nhiệm vụ sẽ bắt tay vào làm việc ngay.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhấn mạnh việc tuyển chọn công khai sẽ tạo cơ hội cho nhiều người, chống chạy chức chạy quyền công tác cán bộ.
Thúy Diễm