Nâng cao nhận thức về ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
(Dân trí) - Hội nghị Tuyên truyền về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng.
Sáng 24/8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội nghị Tuyên truyền về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công chức, giảng viên và đặc biệt là các em sinh viên về ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng.
Hội nghị có sự tham gia của các đại diện đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, các Bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam, các giảng viên và sinh viên đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà hoan nghênh những nỗ lực trong công tác truyền thông, cụ thể là việc thực hiện tốt Kế hoạch Tuyên truyền, quảng bá ASEAN cũng như việc thực hiện Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025", trong đó tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch hành động với nhiệm vụ nâng cao nhận thức, tuyên truyền về ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, nỗ lực này đã góp phần tạo nên những kết quả tích cực được ghi nhận trong Khảo sát về Nhận thức ASEAN do ASEAN tổ chức năm 2018, trong đó Việt Nam đạt tỷ lệ 44% có hiểu biết về ASEAN so với tỷ lệ 23% của toàn ASEAN; 87% người dân Việt Nam có suy nghĩ lạc quan về tương lai của ASEAN, trong khi tỷ lệ này đối với các nước ASEAN nói chung là 78%.
Trong bài phát biểu, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chia sẻ: Trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) có vai trò vô cùng đặc biệt. ASCC được thiết lập một cách tự nhiên, khách quan trên nền tảng phát triển các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời với sự đóng góp của rất nhiều thế hệ người dân ASEAN qua chiều dài lịch sử.
Sự học hỏi lẫn nhau, sự giao thoa với các giá trị văn hóa - xã hội của các cộng đồng khác đã giúp ASCC từng bước trở thành một trong số những cộng đồng gắn kết, phát triển đồng đều, hòa hợp, với các "Xã hội quan tâm và chia sẻ" có ảnh hưởng và tạo ra những dấu ấn khác biệt trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, sáng kiến chung về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là một sự kết nối có tính lịch sử, tính nhân văn vô cùng sâu sắc.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã được nghe chia sẻ cập nhật về hội nhập ASEAN trên 3 trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội; Những vấn đề đáng lưu ý trong bối cảnh hiện nay, thuận lợi, thách thức và giải pháp. Hội nghị cũng tập trung vào nội dung trao đổi về phát triển nguồn nhân lực và đào tạo kỹ năng trong ASEAN; kiểm định chất lượng đại học và các chương trình trao đổi giao lưu sinh viên trong ASEAN.
Tại hội nghị, ông Ngô Tuấn Anh, Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) cho biết, những năm qua, hợp tác giữa các nước ASEAN đã đạt được những kết quả tích cực như: Duy trì được hòa bình, an ninh, ổn định khu vực; Củng cố đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN; Quan hệ đối ngoại ASEAN ngày càng rộng mở;...
Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, hiện các nước ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh phi truyền thống; Các vấn đề "nóng" của quốc tế và khu vực như: Cạnh tranh nước lớn, hợp tác tiểu vùng, Biển Đông, Myanmar, Nga - Ukraine...
Là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN với 15 cơ quan chuyên ngành, phụ trách nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN mang một ý nghĩa quan trọng khi đặt người dân là trung tâm, phục vụ cho người dân và nhanh chóng chứng tỏ được vị trí đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển của từng quốc gia cũng như khu vực. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội cũng đã chủ động và tích cực hợp tác với hai trụ cột Chính trị - An ninh và Kinh tế để giải quyết những thách thức đối với phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực ASEAN.