1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gần 40 lao động Việt Nam kêu cứu tại Liên bang Nga:

Nạn nhân của đường dây XKLĐ “đen”?

Với hy vọng đổi đời, gần 40 lao động tại các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang vay mượn để có được 20.000.000 đồng được sang EUKsedinbur, tỉnh Sverlov (Liên bang Nga) làm công nhân giày da. Hiện những LĐ này đang bị bóc lột sức lao động với thời gian làm việc 12-14h/ngày.

Nạn nhân của đường dây XKLĐ “đen”?

Người thân của các lao động bị ngược đãi tại LB Nga đang mong chờ các lao động được hồi hương (ảnh chụp chiều 1/5). Ảnh: Kỳ Anh

 

Cuộc sống nơi xứ người vô cùng khổ cực, trong khi đó những đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép vẫn hứa và đổ trách nhiệm cho nhau.

 

Làm việc quần quật 13h/ngày

 

Theo đơn kêu cứu của người thân các lao động gửi cơ quan chức năng thì lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những người dân quê, Trần Thị Miền ở Quyết Thắng, Tân Hưng, Tiên Lữ, Hưng Yên và Nguyễn Văn Nam ở xóm 6, Đại Cương, Kim Bảng, Hà Nam đã lập hợp đồng lao động giả tạo về chính quê mình tuyển dụng lao động đưa “chui” sang Nga làm việc có thời hạn là 3 năm, nhằm kiếm tiền bất chính.

 

Theo bà Dương Thị Thao - mẹ LĐ Trịnh Đình Quỳnh (SN 1980) tại xóm 8, Đại Cương, Kim Bảng, Hà Nam thì con bà đi XKLĐ thủ tục rất đơn giản chỉ nộp hộ chiếu và đóng 20 triệu. Ngày 3/1/2012, con bà và gần 40 người khác lên đường sang Nga làm việc với hy vọng chỉ một thời gian ngắn sau sẽ trả hết nợ và cuộc sống nhà bà sẽ được thay đổi.

 

Nhưng sau khi đi được 2 tháng, anh Quỳnh đã điện thoại về cho biết cuộc sống rất khó khăn, ăn uống kham khổ, sáng ăn cháo, trưa và chiều mỗi bữa chỉ được ăn 1 bát cơm và 1 quả trứng, lương không có, chỉ được nhận trợ cấp khoảng 1 triệu đồng tiền Việt.

 

Theo ông Nguyễn Văn Bàng - anh trai LĐ Nguyễn Văn Thi thì mỗi người đi phải nộp số tiền là 1.500USD nhưng chỉ phải trả trước từ 10 - 20 triệu, sang Nga làm việc sẽ trả dần và anh Nam là người làng và trước khi đi cũng cam kết là mức lương thử việc 3 tháng đầu từ 250USD-300USD, từ tháng thứ 4 trở đi NLĐ đảm bảo đủ ngày công và số lượng sản phẩm sẽ được hưởng 500USD/người/tháng chưa kể tiền tăng ca, thêm giờ, tiền năng suất... Ngoài ra, NLĐ được ăn ở, đi lại miễn phí, được nghỉ chủ nhật, ốm đau được khám chữa bệnh... Nhưng sau khi sang trời tây, mọi việc trái ngược hoàn toàn với những hứa hẹn của Miền và Nam.

 

Đưa người đi làm việc trái phép?

 

Trước sức ép của người nhà các LĐ, ngày 18/4, Nguyễn Văn Nam buộc phải làm bản cam kết với nội dung có đứng ra tuyển người sang Nga làm công nhân da giày cho Nguyễn Văn Mai trú tại thôn Tiền, Đại Lâm, Lạng Giang, Bắc Giang (người được ông Nguyễn Văn Dũng ủy quyền ký hợp đồng lao động với NLĐ) và cam kết đưa NLĐ về nước vì lý do NLĐ làm việc không đúng theo hợp đồng đã ký. Ngày 1/5, trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Quốc Mai, ông Mai cho biết, ông không đưa NLĐ đi. Muốn biết thông tin về NLĐ thì gọi điện cho Trần Thị Miền, Nguyễn Văn Nam và ông cho biết thêm “chúng nó thay sim liên tục nên cũng không gọi được”. Trước đó, PV Báo LĐ đã nhiều lần điện thoại cho Nam nhưng người này không nghe máy.

 

Vợ anh Lê Trung Kiên, xã Hương Cát, Duy Hải, Duy Tiên, Hà Nam - chị Nguyễn Thị Hảo (người đã trao đổi qua điện thoại với bà Linly - TGĐ Cty giày da L.E.O.Pard) cho biết: “Qua trao đổi với bà chủ DN, tôi mới vỡ lẽ là chồng tôi và những người khác bị anh Nguyễn Văn Dũng lừa sang bán cho bà Linly với giá rất cao. Sau đó chồng tôi cho biết khổ sở vậy nhưng vẫn phải làm việc, nếu không sẽ bị nhốt vào phòng kín và không cho ăn uống”. Trước đó, các LĐVN thông báo về gia đình rằng họ đã đình công để phản đối điều kiện làm việc. Đến ngày 30.4, Cty tổ chức cuộc họp với NLĐ, sau đó có 5 lao động đã được đưa đi nơi khác. Bà Dương Thị Thao, mẹ của LĐ Trịnh Đình Quỳnh - một trong 5 người bị chuyển đi lo lắng ra mặt bởi không thể liên lạc bằng điện thoại với con trai mình kể từ khi Quỳnh bị chuyển đi.

 

Nạn nhân của đường dây XKLĐ “đen”?
Bà Nguyễn Thị Doanh sốt sắng khi điện thoại được cho con trai là Đỗ Văn Thoả. Ảnh: Kỳ Anh

 

Ông Đỗ Văn Ký – Trưởng Công an xã Đại Cương - khẳng định, việc đưa người đi làm việc các đối tượng tự ý ký kết với nhau không thông qua chính quyền địa phương.

 

Các gia đình và NLĐ tại Nga khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, can thiệp để con em họ được về nước an toàn. Nếu đúng như những gì thân nhân gần 40 lao động trên khai báo thì đây là một vụ đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật VN. Theo Điều 7 Luật Đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì việc tổ chức đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc khi chưa đăng ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị nghiêm cấm.  

 

Mong sớm trở về Việt Nam

 

Chiều 1/5, PV đã kết nối qua điện thoại với anh Nguyễn Văn Thi (SN 1987) – một trong 5 lao động đã được đưa đi khỏi khu vực xưởng sản xuất. Anh Thi cho biết: “Anh Dũng (Nguyễn Văn Dũng – PV) nói là đưa chúng em đi để làm thủ tục cho về nước, đưa đi từng đợt, mỗi đợt 5 người. Em không biết nơi đang ở là ở đâu. Từ tối hôm qua đến giờ (tối 30.4) chúng em chưa được ăn uống gì, cửa bị khóa từ bên ngoài. Sau khi rời khỏi Cty, em chưa được nhận một đồng lương nào, dù đã làm việc gần 4 tháng. Hộ chiếu cũng chưa được nhận lại. Phía Cty nói họ phải bỏ ra 69.000 rup để đưa bọn em sang làm việc, thời gian làm việc vừa qua bọn em được nhận khoảng 30.000 rup, nghĩa là bây giờ phải trả đủ cho người ta số tiền còn thiếu mới được nhận lại hộ chiếu. Nguyện vọng của mọi người bên này là sớm được về nước”.

 

Theo Vinh Hải - Đặng Tiến

Lao động