1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Một cường quốc nông nghiệp mà lệ thuộc vào vắc xin nhập khẩu thì không ổn”

(Dân trí) - “Việt Nam sẽ là cường quốc về nông nghiệp, trong đó có hai thế mạnh về thủy sản và chăn nuôi. Đã chăn nuôi thì không có lý do gì không phòng bệnh. Một cường quốc nông nghiệp mà phải lệ thuộc hết vào vắc xin nhập khẩu thì không ổn, tiến tới không những phải sản xuất được mà còn xuất khẩu vắc xin”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh như vậy khi đi kiểm tra tình hình sản xuất vắc xin cho vật nuôi tại 2 doanh nghiệp ở tỉnh Hưng Yên và Thái Nguyên vào ngày 19/2.

“Một cường quốc nông nghiệp mà lệ thuộc vào vắc xin nhập khẩu thì không ổn” - 1


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bìa phải) cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sản xuất vắc xin tại Hưng Yên và Thái Nguyên.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bìa phải) cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sản xuất vắc xin tại Hưng Yên và Thái Nguyên.

Nguồn tin từ Văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết, tại buổi kiểm tra trên, sau khi nghe đại diện 2 doanh nghiệp báo cáo những thuận lợi và khó khăn trong quá trình nghiên cứu sản xuất vắc xin. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và các thành viên trong đoàn đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà hai doanh nghiệp này đã đạt được. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xu thế chuyển dịch nền nông nghiệp sang chăn nuôi, thủy sản là đúng với quy luật giá trị.

Đầu tư 1 nhà máy sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn GMP cần nhiều thời gian (trên 2 năm) và tiền bạc (trên 200 tỷ đồng).
Đầu tư 1 nhà máy sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn GMP cần nhiều thời gian (trên 2 năm) và tiền bạc (trên 200 tỷ đồng).

Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất vắc xin ở Hưng Yên nêu khó khăn, hiện nay, việc đầu tư 1 nhà máy sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn GMP cần nhiều thời gian (trên 2 năm) và tiền bạc (trên 200 tỷ đồng). Chính vì thế, doanh nghiệp này đề xuất cần có cơ chế riêng chỉ định thầu chọn vắc xin lở mồm long móng (LMLM), cho phép sử dụng phòng chống dịch bệnh trong các chương trình của nhà nước. Ngoài ra, đơn vị này cũng kiến nghị cần có cơ chế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn giống, tế bào từ các cơ quan nhà nước có sẵn.

“Trên thế giới, mỗi vắc xin thường được bảo hộ một thời hạn nhất định, thông lệ 20 năm, sau thời gian đó thì thuộc về toàn nhân loại. Rất nhiều nước, kể cả Trung Quốc, có một cơ quan thấy vắc xin nào hết hạn bảo hộ về sở hữu trí tuệ là ông tự làm, lập ra một ngân hàng giống quốc gia... Nếu có thể Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y làm đầu mối để làm việc này thì rất tốt” – đại diện doanh nghiệp sản xuất vắc xin ở Hưng Yên nêu kiến nghị.

Cũng tại cuộc làm việc trên, một doanh nghiệp sản xuất vắc xin tại tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tạo điều kiện đơn vị này cùng các cơ quan của Cục Thú y được đi tham quan nhà máy sản xuất vắc xin LMLM tại Thái Lan để có kinh nghiệm hơn về xây dựng doanh nghiệp và sẽ xây dựng nhà máy hiện đại bằng Thái Lan hoặc hiện đại hơn. Hiện Thái Lan đã sản xuất thành công vắc xin tinh khiết – không có thành phần 3 ABC protein từ hơn 10 năm qua.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của doanh nghiệp; sau đó sẽ mời doanh nghiệp lên dự họp để cùng tháo gỡ ngay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Đồng thời, những kiến nghị của doanh nghiệp cũng là tư liệu để sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ sắp tới.

“Chúng ta phải có khát vọng đột phát đi nhanh trong sản xuất vắc xin. Bộ NN&PTNT luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian ngắn nhất phải giải quyết nút thắt, thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vắn xin cho chăn nuôi” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, các khâu giống, thức ăn, quy trình, điều kiện sản xuất trong chăn nuôi đều ở mức khá, nhưng yếu nhất hiện nay là phòng, chữa bệnh khi toàn bộ vắc xin cơ bản vẫn phải nhập khẩu về. Do Việt Nam chưa sản xuất được vắc xin nên tình hình dịch bệnh không ổn định, giá thành sản phẩm cao và chất lượng sản phẩm khó đảm bảo. Chính vì thế, trong 2 năm qua, Bộ đã tập trung dồn sức vào để Việt Nam có thể chủ động sản xuất được vắc xin.

“Việt Nam sẽ là cường quốc về nông nghiệp, trong đó có hai thế mạnh về thủy sản và chăn nuôi. Đã chăn nuôi thì không có lý do gì không phòng bệnh. Một cường quốc nông nghiệp mà đi lệ thuộc hết vắc xin nhập khẩu thì không ổn. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung chăm lo nhiều ở khu vực này, để không chỉ đáp ứng cho sức sản xuất của 6 triệu tấn thịt Việt Nam mà tiến tới phải xuất khẩu vắc xin” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Nguyễn Dương