Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II của Mỹ hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm
(Dân trí) - Trưa 15/12, hai máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II của Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm (Hà Nội), sẵn sàng tham gia trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Khoảng 11h50 hôm nay, chiếc máy bay A-10 đầu tiên xuất hiện trước khu vực đường băng, chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, TP Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).
Được giới thiệu vào năm 1972, máy bay A-10 mang biệt danh Thunderbolt II (Tạm dịch: Thần sấm 2) là cường kích cận âm hai động cơ, được thiết kế để hỗ trợ không lực tầm gần cho lực lượng mặt đất (Ảnh: Mạnh Quân).
Chỉ ít phút sau đó, chiếc A-10 thứ hai cũng xuất hiện, bay một vòng, sẵn sàng tiếp đất hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm (Ảnh: Mạnh Quân).
Đông đảo người dân có mặt tại đê Xuân Quan (Long Biên) theo hướng máy bay hạ cánh theo dõi "Thần sấm 2" hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm (Ảnh: Mạnh Quân).
Cường kích A-10 có chiều dài 16,26m; chiều cao 4,47m, sải cánh 17,53m. Thiết kế cánh thẳng và lớn giúp A-10 Thunderbolt II linh hoạt khi bay ở độ cao 300-2.500m (Ảnh: Mạnh Quân).
A-10 Thunderbolt II là loại máy bay cường kích và chi viện không quân trực tiếp do hãng Fairchild Republic sản xuất. A-10 có chuyến bay đầu tiên vào năm 1975 và được đưa vào biên chế của không quân Mỹ vào năm 1977.
Khẩu pháo tự động đa nòng GAU-8 Avenger 30 mm ngay phần đầu là điểm nhấn đáng chú ý của chiếc cường kích được mệnh danh "sát thủ diệt tăng" (Ảnh: Mạnh Quân).
Thunderbolt II có thiết kế với trọng lượng rỗng là 11,3 tấn; trọng lượng khi cất cánh tối đa 22,7 tấn. Máy bay có tính cơ động cao nhờ sử dụng 2 động cơ turbofans TF34-GE-100 General Electric vô cùng mạnh mẽ. Nhờ đó nó có thể mang theo 4,8 tấn nhiên liệu; bay với tốc độ 706 km/h; trần bay 13,6km và bán kính chiến đấu 463km (Ảnh: Mạnh Quân).
Thunderbolt có thể mang theo nhiều loại tên lửa bao gồm tên lửa không đối đất AGM Maverick hay hỏa tiễn tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder. Ngoài ra, A-10 có thể mang theo nhiều loại đạn thông thường, bao gồm bom đa năng, bom chùm, bom cháy, bom dẫn đường bằng laser, pháo sáng (Ảnh: Mạnh Quân).
14h35, chiếc vận tải cơ C-130J của không quân Mỹ tiếp cận đường băng sân bay Gia Lâm (Ảnh: Mạnh Quân).
Máy bay chiến thuật C-130 Hercules là phương tiện vận tải hàng không nổi tiếng do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, được ưa chuộng trên phạm vi toàn thế giới.
Máy bay C-130 dài 29,8m, sải cánh 40,4m, cao 11,6m, trọng lượng rỗng 34 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 70 tấn, tải trọng hàng hóa 20 tấn. Khoang chở hàng dài 16m, rộng 3m, cao 2,7m (Ảnh: Mạnh Quân).
Đây là một trong ba chiếc máy bay của Mỹ trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm nay (Ảnh: Mạnh Quân).
Trước đó, vào chiều 14/12, hai chiếc máy bay này đã đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội (Ảnh: Thành Đông).
Thunderbolt II có hệ thống hình ảnh tầm nhìn ban đêm. Buồng lái bọc titan dày 12,7-38,1mm giúp A-10 có khả năng chịu được đạn phòng không 23mm. Đồng thời, máy bay được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến như thiết bị nhắm mục tiêu bằng máy tính; hệ thống lái tự động; hệ thống cảnh báo va chạm mặt đất... (Ảnh: Thành Đông).
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, đối tác từ Mỹ trưng bày hai máy bay A-10, một máy bay C-130j, một xe thiết giáp stryker, một pháo M777 trên diện tích 3.000m2 (Ảnh: Thành Đông).
Hai chiếc A-10 của Mỹ vào bãi đỗ trước ga quốc tế Nội Bài (Ảnh: Thành Đông).