Lực lượng cảnh sát chuẩn bị gì cho "bữa tiệc" âm nhạc cuối tuần này?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Để chuẩn bị cho Chương trình Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+2022 diễn ra cuối tuần này tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, đội nhạc kèn Cảnh sát nhân dân đã phải luyện tập từ tháng 5/2022.

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2022), cuối tuần này (9-10/7), tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) sẽ diễn ra Chương trình Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+2022.

Chương trình Nhạc hội có 8 đoàn tham gia, trong đó có 6 đoàn quốc tế đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Lào, Myanmar, Brunei và 2 đoàn của Việt Nam.

Để tìm hiểu về công tác chuẩn bị cho chương trình Nhạc hội nói trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02 - Bộ Công an).

Ông Thanh cho biết, trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, có tổ chức Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+2022. Sau khi có kế hoạch, Bộ Công an giao cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là cơ quan thường trực tổ chức Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+2022, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương Bộ Công an và Ban Chỉ đạo của Bộ Công an đã triển khai kế hoạch tổ chức sự kiện này.

Lực lượng cảnh sát chuẩn bị gì cho bữa tiệc âm nhạc cuối tuần này? - 1

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động trao đổi với phóng viên Dân trí. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Chúng tôi đã lên chương trình, đề xuất tham mưu với Bộ Công an để mời các nước tham dự nhạc hội; Triển khai các nội dung và phân công công việc theo chức năng, nhiệm vụ đến các đơn vị thuộc Bộ Công an tổ chức Nhạc hội. Riêng Bộ Tư lệnh CSCĐ được Bộ Công an giao là cơ quan thường trực của nhạc hội, chúng tôi đã chủ trì tuyển chọn và tổ chức đội nhạc kèn của Cảnh sát nhân dân để tập luyện, tham gia biểu diễn Nhạc hội", ông Thanh nói.

Theo đó, đội nhạc kèn Cảnh sát nhân dân được tuyển chọn và đã luyện tập từ tháng 5/2022. Đây là chương trình lớn, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã mời các nhạc sĩ nổi tiếng tham gia đạo diễn và cố vấn chương trình, lựa chọn các nhạc phẩm hay nhất để đưa vào chương trình Nhạc hội.

Lực lượng cảnh sát chuẩn bị gì cho bữa tiệc âm nhạc cuối tuần này? - 2
Lực lượng cảnh sát chuẩn bị gì cho bữa tiệc âm nhạc cuối tuần này? - 3

Đội nhạc kèn Cảnh sát nhân dân được tuyển chọn và đã luyện tập từ tháng 5/2022. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Qua các lần sơ duyệt, tổng duyệt, lãnh đạo Bộ Công an, các nhạc sĩ tham gia cố vấn chương trình đều đánh giá sự chuẩn bị của đoàn nhạc kèn Cảnh sát nhân dân Việt Nam tương đối nhuần nhuyễn, bây  giờ chỉ chờ ngày biểu diễn cùng đoàn các nước", ông Thanh nói thêm.

Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động chia sẻ thêm, Ban Tổ chức đã lựa chọn các tác phẩm mang ý nghĩa quốc tế, khu vực và gắn với Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam. 

Cụ thể, trong buổi Nhạc hội sẽ biểu diễn 5 nhạc phẩm: Mở màn là ca khúc "ASEAN ca", chủ đề nói về sự đoàn kết của các nước trong cộng đồng ASEAN; nhạc phẩm thứ 2 là "Hành khúc Công an nhân dân Việt Nam" nhằm ca ngợi lực lượng Công an nhân dân Việt Nam; tiếp theo có 2 nhạc phẩm của Trung Quốc và Nhật Bản - đây là 2 quốc gia có nền âm nhạc trình độ cao và cũng là 2 đối tác chiến lược hợp tác quốc tế đối với Việt Nam.

"Việc mượn âm nhạc để chuyển tải tình đoàn kết là rất ý nghĩa. Vì là ngày kỷ niệm truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam nên không thể thiếu được nhạc phẩm nói về hình tượng của người chiến sĩ cảnh sát nhân dân. Do đó, bài hát thứ 5 là bài "Từ một ngã tư đường phố". Bên cạnh đó cũng có những bài về quê hương đất nước con người Việt Nam.

Qua tổng duyệt, các nhạc phẩm đoàn nhạc Cảnh sát nhân dân Việt Nam được đánh giá chuẩn bị rất công phu. Chúng tôi hy vọng cùng với các nghệ sĩ đến từ các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Chương trình Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+2022 sẽ mang đến một bữa tiệc âm nhạc cho nhân dân và bạn bè quốc tế", ông Thanh nói thêm.

Theo Ban Tổ chức, từ 8h-10h ngày 9/7, sẽ diễn ra lễ khai mạc và diễn hành (có bố trí lực lượng giao thông dẫn đường và lực lượng CSCĐ kỵ binh biểu diễn, sau đó bố trí đứng chốt tại các điểm dừng biểu diễn của các đoàn nhạc). Mở đầu chương trình là màn biểu diễn Trống hội do 300 cán bộ, chiến sĩ của Học viện Cảnh sát nhân dân biểu diễn, sau đó thì các đoàn nhạc kèn theo thứ tự (A-B) biểu diễn, diễu hành, có các nghệ sĩ hát múa tại 4 điểm, cụ thể:

Điểm 1: Theo thứ tự mỗi đoàn sẽ biểu diễn trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ (5 phút) sau đó di chuyển biểu diễn và diễu hành trên phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội (quãng đường khoảng 1,8km). Trong đó có dừng biểu diễn tại các điểm tiếp theo, mỗi điểm biểu diễn 5 phút.

Điểm 2: Tượng đài Cảm tử, ngã ba Đinh Tiên Hoàng, Hàng Dầu (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Điểm 3: Đài phun nước ngã ba phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ.

Điểm 4: Ngã tư Hàng Khay, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền.

Buổi lễ khai mạc và biểu diễn sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh ANTV, thời gian 120 phút.

Ngày 10/7, từ 17h, Đoàn CSCĐ kỵ binh sẽ diễu hành quanh Hồ Hoàn Kiếm. Từ 19h30, Màn trống hội của Học viện Cảnh tiếp tục biểu diễn tạo không khí sôi nổi trước khi vào chương trình hòa nhạc. Sau đó, theo thứ tự mỗi đoàn biểu diễn từ 2-3 tác phẩm, thời gian không quá 9 phút.

Buổi hòa nhạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và ANTV, thời gian 90 phút.