Long An "xin" Trung ương 170 tỷ đồng để chống xâm ngập mặn

(Dân trí) - Ước tính trên 15.000ha lúa, 2.700ha cây ăn trái và khoảng 8000 hộ dân ở Long An bị ảnh hưởng do xâm ngập mặn. UBND tỉnh Long An kiến nghị TW hỗ trợ 170 tỷ đồng để xử lý.

Long An xin Trung ương 170 tỷ đồng để chống xâm ngập mặn - 1
Tình trạng xâm ngập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Long An và các tỉnh miền Tây.

Vừa qua, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, UBND tỉnh Long An đã báo cáo về tình hình xâm ngập mặn năm 2020. Hiện, xâm ngập mặn đang diễn ra khó lường và nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân.

Theo UBND tỉnh Long An, tổng diện tích lúa Đông Xuân 2019 - 2020 của tỉnh đã gieo sạ trên 226.000 ha. Tuy vậy, do xâm ngập mặn nên ước tính có có trên 15.000 ha lúa Đông Xuân và trên 11.000 ha rau màu, cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng do thiếu nước sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có khoảng gần 8.000 hộ dân ở huyện Cần Giuộc bị thiếu nước sinh hoạt.

Long An xin Trung ương 170 tỷ đồng để chống xâm ngập mặn - 2
Hàng ngàn hecta lúa, hoa màu bị ảnh hưởng nếu xâm ngập mặn tiếp tục tăng cao.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Long An đã báo cáo cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân, người dân. Cụ thể, Long An thường xuyên theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước, xâm nhập mặn trên sông trục chính và các tuyến kênh, rạch trong nội đồng. Cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo của cơ quan chức năng trên các phương tiện truyền thông. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực bị xâm nhập mặn để đưa ra hướng xử lý kịp thời.

Hiện Long An đã đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến; đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối (Cống Châu Phê, Ông Sen, Bà Phổ, kênh Thủ Thừa) để bơm nước vào đồng khi độ mặn giảm.

Cùng với đó, đoàn liên ngành đã vận động nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của địa phương; ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn. Các tuyến đê, bờ bao xung các khu vực bị xâm nhập mặn cũng được xử lý. 

Long An xin Trung ương 170 tỷ đồng để chống xâm ngập mặn - 3

Nhiều nông dân có nguy cơ mất trắng vụ lúa Đông Xuân. 

 Riêng đối với khu vực thuộc Hệ thống Thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ hiện nay không thể bổ sung nước ngọt, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thi công các đập tạm đầu các kênh cấp 1, 2, 3 nội đồng; tập trung bơm nước nhiều cấp để trữ nước, bổ sung nguồn nước trữ đảm bảo phục vụ trong mùa khô. 

Để giải quyết tình trạng trên, Long An kiến nghị cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí vốn đầu tư hoàn chỉnh hệ thống 6 cống dọc tuyến Quốc lộ 62 để chủ động điều tiết, ngăn mặn trữ ngọt cho vùng Dự án Bắc Đông thuộc 2 tỉnh Long An - Tiền Giang với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.

Long An xin Trung ương 170 tỷ đồng để chống xâm ngập mặn - 4
Long An và các tỉnh miền Tây đang triển khai đưa nước về với người dân bị ảnh hưởng.

Hỗ trợ các công nghệ chuyển đổi đóng mở các cửa cống bằng áp lực nước sang đóng mở cưỡng bức để chủ động điều tiết nước khi độ mặn - ngọt biến đổi bất thường với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng; bố trí vốn đầu tư Trạm bơm Vàm Kênh kết hợp mở rộng khẩu độ cống Vàm Kênh (huyện Thủ Thừa), Trạm bơm Cây Gáo (huyện Thủ Thừa) để tăng cường lấy nước ngọt khi triều kém nhằm tích trữ nước tưới cho hơn 4.000 ha vụ Đông Xuân của Nam Thủ Thừa và huyện Tân Trụ khi hạn, mặn cực đoan với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.

Cuối cùng , tỉnh Long An kiến nghị được hỗ trợ nguồn kinh phí để đắp các đập tạm ngăn mặn trên các kênh rạch cắt ngang Quốc lộ 62 và duy tu nạo vét các tuyến kênh rạch của tỉnh, nhằm tăng cường năng lực tưới phục vụ sản xuất với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Đây là hướng đi lâu dài nhằm ngăn chặn tình trạng xâm ngập mặn vào các năm sau.

Long An xin Trung ương 170 tỷ đồng để chống xâm ngập mặn - 5

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những giải pháp Long An đang triển khai và sẽ kiến nghị Chính Phủ những đề nghị của Long An.

Trước những đề xuất trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những thành tích Long An đã đạt được trong vấn đề xử lý xâm ngập mặn. Bộ trưởng cũng trao đổi sẽ trình lên Chính Phủ những khó khăn Long An đang gặp phải để tìm cách tháo gỡ cho người dân.

"Năm nay, dù hạn mặn khắc nghiệt nhưng thiệt hại chưa đáng kể do ý thức người dân nâng cao. Chính quyền cũng đã rút ra nhiều bài học sau vụ xâm nhập mặn năm 2015, 2016. Tuy vậy, Long An cần tạp trung hơn để vụ lúa Đông Xuân của bà con được phát triển tốt. Liên tục quan sát và báo cho bà con nông dân tình hình xâm ngập mặn để điều tiết việc tưới tiêu khi hạn mặn thấp. Quyết tâm từ nay tới tháng 4, khi có mưa, không để 8000 hộ dân thiếu nước", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 

Xuân Hinh