Lễ truy điệu Bác Hồ trong nhà lao Phú Quốc

Hoàng Lam

(Dân trí) - “Thật rồi, Bác đi thật rồi!”, tiếng nấc nghẹn lại trong cổ của những người lính đang bị giam cầm. Nơi chốn lao tù, họ tổ chức Lễ truy điệu người Cha già của dân tộc theo cách riêng của mình.

Lễ truy điệu Bác Hồ trong nhà lao Phú Quốc - 1
Ông Nguyễn Nhất Thắng bên bàn thờ Bác Hồ lập tại nhà.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng, nhằm ngày 21/7 năm Kỷ Dậu. Hàng năm, vào ngày 21/7 âm lịch, cũng như nhiều con dân nước Việt, người cựu tù Phú Quốc Nguyễn Nhất Thắng chuẩn bị mâm cơm làm lễ giỗ Người. 

Cách đây 51 năm, nơi "địa ngục trần gian", dưới họng súng quân thù, ông và các đồng đội, đồng chí cũng đã làm Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1967, Chuẩn úy - Trung đội trưởng Nguyễn Nhất Thắng (SN 1945, Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 324A) bị thương nặng trong một trận đụng độ với thủy quân lục chiến Mỹ tại chiến trường Quảng Trị. Sau một thời gian tra khảo bằng đủ ngón đòn roi tàn bạo nhất nhưng không thể khai thác được thông tin nào có giá trị về đối phương, địch đày ông ra nhà lao Phú Quốc (Kiên Giang).

Ở địa ngục trần gian này, Nguyễn Nhất Thắng (lúc này có tên Phạm Văn Thăng để giữ bí mật) cùng các đồng đội, đồng chí bước vào một cuộc chiến mới, không kém phần khốc liệt và dữ dội. Ở đây, những trận tra tấn, khủng bố bằng thể chất và tinh thần bị địch dội xuống đầu, xuống lưng những người “tù chính trị” cứng đầu nhằm khuất phục ý chí đấu tranh của họ.

Cựu tù Phú Quốc kể về Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhà lao

'Khoảng đầu tháng 9/1969, thông tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đã bắt đầu râm ran trong các phòng giam. Lúc này, việc liên lạc thông tin từ trong tù ra ngoài và từ bên ngoài vào trong rất khó khăn. Tổ chức Đảng của nhà tù động viên anh em, có thể đây là một ngón đòn tâm lý của bọn cai ngục; anh em bình tĩnh chờ thông tin chính thức từ tổ chức”, ông Thắng kể.

Một ngày đầu tháng 10/1969, tổ chức Đảng thông báo, sau giờ giới nghiêm tối nay sẽ có một thông báo đặc biệt. Suốt cả ngày, những người tù binh lòng như lửa đốt với nỗi lo sợ mơ hồ nhưng ai cũng cố gắng gạt bỏ điều ấy ra khỏi đầu.

Lễ truy điệu Bác Hồ trong nhà lao Phú Quốc - 2
Người cựu tù Phú Quốc Nguyễn Nhất Thắng xúc động kể về Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà lao Phú Quốc.

Đợi mãi cũng đến giờ giới nghiêm. Đèn điện tắt, xung quanh là một màu tối đen. Gần 100 con người “xếp mòi” trong cái phòng giam nhỏ xíu, ngột ngạt và đầy lo âu bởi điều sắp sửa diễn ra.

Trong bóng tối, một giọng nói vang lên: “Các đồng chí ạ, dù không muốn nhưng chúng tôi phải thông báo cho các đồng chí một thông tin hết sức đau buồn. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã qua đời. Đây là thông tin chính xác do các đồng chí vừa bị địch bắt chuyển vào...”, giọng nói như nghẹn lại vì xúc động.

Không gian lặng ngắt như tờ bỗng vang lên những tiếng khóc nghẹn: “Thật rồi! Vậy là Bác đã đi thật rồi”. Mọi người nắm chặt bàn tay nhau kìm nén cơn xúc động trước nỗi đau quá lớn này.

“Ngay bây giờ, chúng ta sẽ làm Lễ truy điệu Bác. Điều kiện của chúng ta ở đây khó có thể làm tươm tất được, chắc Bác cũng hiểu cho chúng ta. Nào, các đồng chí chúng ta đứng dậy, quay mặt về hướng Bắc, tưởng tượng trước mặt chúng ta là bàn thờ và di ảnh Bác. Phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bắt đầu!”.

Lễ truy điệu Bác Hồ trong nhà lao Phú Quốc - 3

Sau hơn 5 năm đấu tranh với địch trong chốn lao tù, năm 1973, ông Nguyễn Nhất Thắng được trao trả sau Hiệp định Paris.

Vẫn giọng nói ấy vang lên: “Biến đau thương thành hành động, càng thương nhớ Bác, chúng con càng nhớ lời Bác dạy, càng căm thù địch, kiên quyết giữ vững khí tiết của người cách mạng trong lao tù”.

Đó là một đêm trắng của những người lính trong chốn lao tù. Những giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn, những cái siết tay thật chặt, chia sẻ cùng nhau nỗi đau thương mất mát và động viên nhau trong cuộc chiến ở nơi cách biệt với đất liền...

Trong đêm tối, những dòng thơ bật ra trong đầu người tù Nguyễn Nhất Thắng: “Thật rồi Bác đã đi xa/ Đảo khơi cũng khóc như là mưa tuôn/ Ngoài rào họng súng chập chờn/ Trong rào thổn thức những hồn xa quê/ Chúng con không nghĩ ngày về/ Chỉ mong Bác được yên bề cõi tiên”.

Sáng 8/9/2020 (21/7 âm lịch), tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm nhân ngày giỗ lần thứ 51 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lễ truy điệu Bác Hồ trong nhà lao Phú Quốc - 4
Ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ giỗ lần thứ 51 của Người.

Tại buổi lễ, các cán bộ trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, huyện Nam Đàn, đại biểu các dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân, Hà và đông đảo các tầng lớp Nhân dân đã thành kính dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.