Lê Phước Thọ - anh "Sáu Hậu", một nhân cách lớn, một tấm gương
(Dân trí) - Cuộc sống và hoạt động của anh bao giờ cũng gắn với thời cuộc, vận mệnh quốc gia dân tộc - ông Lư Văn Điền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, chia sẻ kỷ niệm về ông Lê Phước Thọ.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) từ trần hồi 1h46, ngày 6/7, để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhiều thế hệ cán bộ miền Tây Nam Bộ.
Ông Lư Văn Điền - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, khóa VIII, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, gửi đến Báo điện tử Dân trí bài viết về ông Lê Phước Thọ - một nhân cách lớn, người có những đóng góp quan trọng cho đất nước, quê hương.
***
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, bắt tay vào công cuộc khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh; theo hướng đó, Đảng và Nhà nước chủ trương hợp nhất một số tỉnh, trong đó có tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng thành tỉnh Hậu Giang.
Anh Sáu lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng về làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, vào Trung ương rồi vào Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Tôi lúc đó từ công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ, khi sáp nhập hai tỉnh và thành phố Cần Thơ tôi về làm Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang. Nhờ đó mà tôi có dịp được phục vụ các anh, chị lãnh đạo Tỉnh ủy, trong đó thường xuyên và trực tiếp giúp việc hàng ngày cho anh Sáu.
Đây cũng là điều may mắn đối với tôi, bởi sống và làm việc bên anh Sáu tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích, trước tiên về tư cách, lối sống của con người bình thường cho đến đạo đức, phẩm chất của người cán bộ, yêu nước, thương dân, cần kiệm liêm chính, trung thực thẳng thắn mà đầy tình thương yêu.
Với cấp trên anh luôn tôn trọng nhưng tỏ rõ chính kiến, cấp dưới thì gần gũi chia sẻ niềm vui cũng như khi hoạn nạn khó khăn, nói chung là không có khoảng cách, càng không có chút gì "quan cách".
Suốt những năm tháng gần gũi bên anh Sáu, tôi chưa hề thấy anh nặng lời với một ai đó, dù có những điều trái ý anh. Chuyện láng giềng, chòm xóm anh không để việc gì mất lòng, thậm chí còn có việc tưởng chừng anh không thể bỏ qua, song với tính bao dung, vị tha, anh bỏ qua mọi tị hiềm để rồi đoàn kết, gần gũi, thân thiện hơn.
Cuộc sống và hoạt động của anh bao giờ cũng gắn với thời cuộc, vận mệnh quốc gia dân tộc, những nỗi khó khăn cơ cực của người dân, anh đều thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ…
Tôi nhớ mãi hình ảnh của những năm đầu mới giải phóng, cả nước lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, nhất là nạn thiếu lương thực trầm trọng. Anh chứng kiến mỗi buổi sáng, hàng trăm ghe xuồng bà con từ các tỉnh vùng trên đổ về miệt Hậu Giang - Minh Hải (tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu hợp nhất), kiếm lúa gạo cứu đói.
Cảm thông sâu sắc cảnh tượng ấy, anh tỏ rõ thái độ và đặt nhiều câu hỏi cho tập thể lãnh đạo: Với đất đai của tỉnh như vậy mình phải làm gì để có thêm lúa gạo, dân bớt khổ, giảm khó khăn cho đất nước?
Ý tưởng và thái độ quyết tâm của anh đã được tập thể lãnh đạo đồng tình, trở thành chủ trương của Tỉnh ủy. Theo đó, nhiều cuộc phát động rầm rộ trên phạm vi toàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với khẩu hiệu "Hậu Giang vì cả nước với cả nước".
Nhưng làm ra hạt lúa lúc bấy giờ không đơn giản, bởi cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nông nghiệp còn quá yếu kém, lạc hậu, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu thiếu thốn và nhiều vấn đề khó khăn phức tạp khác ở thời kỳ bao cấp.
Nạn sâu rầy thường xuyên tàn phá, có năm tỉnh phải nhờ đến các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long huy động cả lực lượng sinh viên ra đồng diệt rầy, cứu lúa…
Khi về nghỉ hưu, tuổi tác ngày càng cao, đáng ra anh dành thời gian nghỉ ngơi nhưng lại tiếp tục nghiên cứu, theo dõi tình hình chung, tình hình ở một số địa phương, qua đó đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, quan trọng, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà sản xuất ra nhiều lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng cung ứng cho cả nước và xuất khẩu, nhưng đời sống của nhân dân vẫn còn nghèo khó.
Rồi đến biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh đến miền đất này: sạt lở đất đai, nước mặn xâm nhập, môi trường sinh ô nhiễm… tất cả những hiện tượng đó là nỗi băn khoăn, trăn trở, ray rứt đối với anh.
Anh thường có những ý kiến đóng góp với địa phương và đề xuất về Trung ương mong có những quyết sách phù hợp, kịp thời nhằm giữ vững sự ổn định, phát triển, hạn chế bớt thiệt hại có thể xảy ra.
Anh còn là nhà tổ chức, có cái nhìn xa, bao quát trên mọi khía cạnh đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực tổ chức và cán bộ. Với kinh nghiệm dày dặn thực tiễn anh không chỉ quan tâm đến đội ngũ cán bộ đương thời mà còn nghĩ xa về các thế hệ nối tiếp.
Ông Lê Phước Thọ, tên thường dùng là Sáu Hậu, sinh năm 1927 tại xã Tân Lộc, huyện Cà Mau, tỉnh Minh Hải, nay là xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Ông tham gia cách mạng từ tháng 8/1945, được kết nạp Đảng vào ngày 10/2/1949. Gần trọn cuộc đời gắn bó với miền Tây Nam Bộ, từng là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND nhiều tỉnh trong khu vực, trước khi được Trung ương phân công làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Ông từ trần hồi 1h46 ngày 6/7 tại nhà riêng ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, sau một thời gian lâm bệnh, hưởng thọ 96 tuổi.