1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Lấy ý kiến việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt

(Dân trí) - Đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ Cầu Bông đến Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TPHCM) được kiến nghị đổi tên thành Lê Văn Duyệt. Ngay cuối đoạn đường này là Lăng Ông thờ Tả quân Lê Văn Duyệt.

Đề xuất đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt

UBND quận Bình Thạnh (TPHCM) đang lấy ý kiến của người dân thuộc phường 1, phường 3 về việc chuyển đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu hiện hữu dài gần 1km) thành đường Lê Văn Duyệt.

Lấy ý kiến việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt - 1

Đoạn đường Đinh Tiên Hoàng từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu hiện hữu dài gần 1km.

Đường Đinh Tiên Hoàng hiện hữu dài hơn 2km, bắt đầu từ điểm giao với đường Lê Duẩn, chạy qua cầu Bông và kết thúc tại điểm giao cắt với đường Phan Đăng Lưu. 

Việc đổi tên đường do ông Trần Văn Sung - Phó Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu) - đề nghị lên Hội đồng Đặt, đổi tên đường TPHCM và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Lấy ý kiến việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt - 2

Đường Đinh Tiên Hoàng hiện hữu dài hơn 2km, bắt đầu từ điểm giao với đường Lê Duẩn, chạy qua cầu Bông và kết thúc tại điểm giao cắt với đường Phan Đăng Lưu

Theo ông Sung, việc đặt đổi tên đường Lê Văn Duyệt thay cho đoạn đường Đinh Tiên Hoàng xuất phát từ yếu tố lịch sử và lòng kính trọng, ngưỡng mộ của người dân đối với Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

"Đối với Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, nhân dân miền Nam ai ai cũng điều biết đến. Ông là một nhà chính trị, quân sự Việt Nam, phục vụ hai triều vua Nhà Nguyễn. Ông có công lao to lớn trên các phương diện: giữ vững an ninh vùng biên giới Tây Nam của đất nước; có công lớn trong việc huy động nhân công và tổ chức chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế – một con kênh có giá trị về nhiều mặt ở miền tây Nam bộ...", ông Sung nhấn mạnh trong bản đề nghị.

Lấy ý kiến việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt - 3

Cuối đường Đinh Tiên Hoàng là Lăng Ông thờ Tả quân Lê Văn Duyệt

Cũng theo ông Sung, miếu mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ ông nằm trong Lăng Ông - Di tích lịch sử cấp Quốc gia được công nhận sớm sau 1975 - hiện nằm trên trục đường Đinh Tiên Hoàng. 

"Hiện nay ở khu vực chung quanh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) có các đường mang tên vị quan trong triều Nguyễn như: Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Bùi Hữu Nghĩa… Vậy nay ta phục hồi lại đường Lê Văn Duyệt tại nơi đây là rất khoa học, tạo thành một cụm khu vực người dân rất dễ nhớ, dễ tìm", ông Sung chia sẻ.

Để thấy sự ghi nhận công ơn đối với Tả quân Lê Văn Duyệt, ông Sung dẫn chứng nhiều địa phương đã đặt con đường mang tên ông như: Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Đà Nẵng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Dương, An Giang, Bình Thuận, Tiền Giang, Đồng Nai.

Lấy ý kiến việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt - 4

Lăng Lê Văn Duyệt được trao bằng công nhận Di tích lịch sử  văn hóa Quốc gia năm 1989

Ngoài ra, quy chế đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng cũng quy định tránh đặt đường trùng tên ở các quân, huyện; những con đường mang tên khác nhau của một nhân vật. 

Trong khi đó, hiện nay ở quận 1, 9 và Bình Thạnh đều có đường mang tên Đinh Tiên Hoàng; hơn nữa, quận Bình Thạnh có đường Đinh Bộ Lĩnh và cũng có đường Đinh Tiên Hoàng, tức một nhân vật. 

Lấy ý kiến việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt - 5

Trước phần mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt có văn bia và hai câu đối của Khâm sai Bắc Kỳ Kinh lược đại sứ Hoàng Cao Khải đề năm 1894

"Tôi thiết nghĩ không có nơi nào trên quận Bình Thạnh đặt tên đường Lê Văn Duyệt hợp tình, hợp lý và khoa học nhất bằng đoạn từ Cầu Bông đến Phan Đăng Lưu. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo người dân từng sùng bái Đức Ngài", ông Sung chia sẻ.

Lấy ý kiến việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt - 6

Lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt là nơi có kiến trúc cổ nhất được tồn tại ổn định từ năm 1848, nằm song song với mộ ông là mộ của Chánh Thất Tả quân Phu nhân Đỗ Thị Phẫn

Lấy ý kiến việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt - 7

Ông Trần Văn Sung giới thiệu về kiến trúc độc đáo, chất liệu đặc biệt tạo nên sự bền vững cùng thời gian của Lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND TPHCM về việc xem xét đặt tên đường Lê Văn Duyệt, Sở Văn hóa và Thể thao đã đề nghị UBND quận Bình Thạnh cho ý kiến, đồng thời lấy ý kiến của tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhà khoa học.

Sau đó, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tổng hợp báo cáo Hội đồng đặt, đổi tên đường TPHCM trước khi trình HĐND TPHCM xem xét, quyết định.

Lấy ý kiến việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt - 8

Văn bia do Hoàng Cao Khai đề bút năm 1894 vì cảm phục công trạng hiển hách của Tả quân Lê Văn Duyệt

Theo Hội di sản TPHCM, Lê Văn Duyệt (1764-1832) còn gọi là Tả Quân Duyệt, quê tại vàm Trà Lọt, thuộc làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường, về sau gọi là xã Hòa Khánh thuộc huyện  Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông nội của Lê Văn Duyệt ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi sau vào Nam sinh sống.

Ông là võ tướng, vào năm Gia Long nguyên niên (1802), ông được thăng làm Khâm sai Chưởng Tả quân doanh Bình Sơn tướng quân, tước quận công.

Ông đã 2 lần làm Tổng trấn Gia Định thành và cũng là vị Tổng trấn cuối cùng của thành Gia Định. Lần 1 là từ năm 1812-1815 và lần 2 từ 1820-1832. 

Năm 1819, Lê Văn Duyệt dâng sớ xin vua Gia Long cho đào kênh Vĩnh Tế nối liền sông Châu Đốc với vịnh Thái Lan phục vụ nhu cầu hành chính, quân sự cũng như phát triển giao thông buôn bán giữa các vùng trong nước. 

Ông đã đề ra chính sách đồn điền, đẩy mạnh khẩn hoang để phát triển sản xuất nông nghiệp và những chính sách thu phục nhân tâm. Ông kiên quyết trừng trị bọn tham quan ô lại, có chính sách phù hợp về tôn giáo, mở cửa thông thương giúp kinh tế phát triển. 

Lê Văn Duyệt mất năm 1832, được an táng tại quận Bình Thạnh. Giỗ ông được tổ chức 3 ngày liên tục (29 hoặc 30 tháng Bảy và mùng 1, mùng 2 tháng 8 âm lịch). Dân gian từ xưa xem ông như vị phúc thần và tế lễ ông tại Lăng mang nghi thức thờ thần, tế thần. Ngoài người dân địa phương còn có khách các tỉnh xa tới chiêm bái. 

Quốc Anh - Nguyễn Quang