1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Lập kế hoạch phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến bạo lực

(Dân trí) - Bắt đầu từ năm học tới, học sinh, sinh viên trên địa bàn TPHCM sẽ được tham gia chương trình hành động về phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh.

UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương phối hợp với các sở-ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động về phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh đối với học sinh, sinh viên giai đoạn 2011-2015. Chương trình này sẽ được triển khai vào đầu năm học mới 2011-2012 tại các trường học trên địa bàn TP.
Lập kế hoạch phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến bạo lực  - 1
Thực trạng trẻ mê game đang làm đau đầu các nhà chức trách

Cho đến nay, TPHCM đi đầu so với cả nước trong việc “tuyên chiến” với game bạo lực, không lành mạnh. Cuối năm 2010, UBND TPHCM giao Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức điều tra xã hội học và hội thảo khoa học về thực trạng và tác hại của hoạt động dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online) đối với giới trẻ thành phố. 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tại TPHCM, tỉ lệ học sinh THPT chơi em online chiếm đến 88% và lứa tuổi tiểu học chiếm 70%. Trong khi đó, con số này ở Hà Nội tương ứng là 76,6% và 76%.

Trong giai đoạn này, Bộ GD & ĐT cũng đặt mục tiêu về phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến là phấn đấu 100% cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên nhận thức được tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh; 100% học sinh sinh viên ký cam kết với nhà trường và các tổ chức đoàn thể không tham gia trò chơi này và 100% các trường không có các vi phạm trong nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh sinh viên liên quan đến các nội dung bạo lực và không lành mạnh do tác động của trò chơi trực tuyến.
 
Ngăn chặn kịp thời những tác động xấu của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với học sinh sinh viên nhằm khắc phục tình trạng học sinh sinh viên sa sút đạo đức, thiếu tự tin, thiếu chuyên cần học tập.

Công Quang