1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Làng thợ hồ

(Dân trí) - Làng Đội Cung, huyện Tân Kỳ, Nghệ An có tất cả 126 hộ dân thì có đến hơn một trăm nhà có người làm thợ xây. Người người làm thợ, vác bay xây nhà, cả trẻ em cũng vứt sách theo cha chú đi phụ hồ…

Con đường dẫn về xóm 10 ngập đầy đất bụi, Nắng, gió, bụi tạo cho nơi đây vẻ khắc nghiệt. Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Văn Thắng, xóm trưởng xóm 10. Ông khoe: “Đời sống bà con ở làng giờ khấm khá lắm, nhà nào cũng sắm được xe máy, tivi, đầu máy, kinh tế hộ gia đình đã biến chuyển rất nhanh”. “Báo cáo” toàn tin vui nhưng mắt ông lại ánh buồn.

 

Rầm rập theo nhau đi làm thợ

 

Theo ông Thắng thì đời sống kinh tế bà con khấm khá không phải nhờ ruộng đất, dù đặc thù kinh tế của xã là gần như 100% gia đình làm nông nghiệp. Bà con ở làng không mấy mặn mà với đồng ruộng, vì thiên nhiên không ưu đãi, họ “cày không ra cơm”, trồng lúa chỉ đủ gạo ăn. Thế là cả làng đổ xô đi kiếm tiền nơi xa, nhà có điều kiện thì chạy cho con đi xuất khẩu lao động, còn phần lớn là theo nhau đi làm thợ xây.

 

Gia đình ông Kiên bà Phượng có năm người con, ngoại trừ đứa con gái út đang học lớp 6, cả bốn đứa còn lại đều theo cha đi làm thợ hồ trên thị trấn. Mấy cha con đèo nhau đi làm bằng hai chiếc xe “Honda cup 81 đời đầu” từ sáng sớm, đến tối khuya mới về; ở nhà chỉ có bà Phượng cáng đáng công việc đồng áng, nhà cửa.

 

Ông Kiên buồn buồn: “Khổ nên mới phải vác xô đi làm chớ có ai muốn mô chú, làm cái nghề ni cực lắm, công việc thì vất vả, lúc có lúc không; mà nhiều khi xây xong công trình chủ dây dưa không chịu trả tiền, phải đi đòi như thể mình nợ họ vậy”.

 

Ông kể rằng có lần mấy cha con lặn lội sang tận nông trường An Ngãi, cách nhà mấy chục cây số, nhận công trình xây trường nội trú cho xã. Làm ba tháng trời, cơm gạo khuân từ nhà đi, ăn uống chi phí cũng lấy tiền nhà. Nào ngờ chủ thầu thua lỗ không chịu trả tiền, giờ trường học đã cũ rồi mà tiền công xây vẫn chưa nhận được.

 

Chúng tôi ghé nhà ông Đông, “chủ thầu” đang có trong tay một đội ngũ thợ xây “lành nghề”, “uy tín”, được nhiều vùng biết tiếng. Ông Đông không cho con cái đi làm thợ mà hai vợ chồng dắt nhau đi. Cơ ngơi nhà ông cũng khấm khá: giàn máy, ti vi phẳng, hai chiếc xe máy đắt tiền… Dù gì thì vợ chồng ông cũng là những người tiên phong, mở đầu cho “làn sóng” thợ hồ của xã Đội Cung.

 

Chuyện “gia đình thợ” ở Đội Cung giờ không còn là chuyện hiếm, mỗi nhà ít nhất cũng có vài người đi làm thợ. Xã dần xuất hiện những tổ thợ xây có quân số đông, từ dăm bảy người cho đến vài chục, có tổ đến hơn ba chục thợ, đứng đầu có chủ thầu. Đó đều là những nhóm thợ có tổ chức.

 

Bác Trung, chủ một tổ thợ cho biết: “Tuy làng thợ hồ nhiều tổ thợ khác nhau nhưng không bao giờ xảy ra cãi vã, to tiếng hay trang giành mối, đơn giản là anh em cùng làng cùng xóm cả, cùng cảnh nghèo đi làm thuê kiếm gạo nên ai nhận được mối nào thì cứ gọi anh em đi, tổ nào nhiều việc thì có thể san sẻ bớt. Anh em thợ hồ sống với nhau rất có tình, có nghĩa”.

 

Nỗi buồn sau những ngôi nhà ngói

 

Nhìn vào bộ mặt xã Đội Cung bây giờ hẳn nhiều người sẽ lầm tưởng rằng đây là “vùng đất lộc, đất đai tươi tốt”. Dưới mỗi mái nhà ngói mới đỏ au, những chiếc “chảo” thu truyền hình “nhiều kênh” thi nhau chỏng lên như minh chứng cho đời sống khấm khá của bà con. Nhưng trong những ngôi nhà khang trang ấy, cũng hiếm khi thấy một nụ cười mãn nguyện.

 

Phần lớn người dân ở làng thợ hồ không mấy mãn nguyện với cuộc sống bởi theo họ nghề thợ hồ đối với nông dân không phải là nghề mà chỉ là công việc để giải quyết thời gian nông nhàn; vì không sống được bằng đồng lúa thì mới phải đổ xô đi làm thợ.

 

Của cải có nhưng con cái thiếu học, thanh niên chưa lớn đã theo nhau đi kiếm tiền. “Mình đi làm thợ hồ chỉ đủ đong gạo và dành dụm sắm sanh, không có tiền dư, sau này con cái trưởng thành về lập gia đình rồi thì lấy gì cho chúng? Làm nông còn giữ được miếng đất mà bán, bán được con trâu cất chút tiền chứ làm thợ hồ thì được mấy nỗi? Mà con cái nó cũng chẳng học hành gì, đến tuổi là chúng nó nghỉ rồi theo bạn bè vào Nam làm công nhân. Cha mẹ làm thuê, con làm thuê, kiểu này thì còn khổ mãi chú ạ”, ông Xuân - một nông dân của xóm - bùi ngùi.

 

Ông bảo: “Các gia đình ở đây họ đua nhau vậy đó, gia đình có thì chẳng nói làm gì, nhà không có thấy hàng xóm có cái xe máy mình cũng phải có, có cái tivi samsung nhiều tiền mình cũng phải mua, dù có phải đi vay”.

 

Bá Dũng