Lạng Sơn phấn đấu mỗi năm có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới
(Dân trí) - UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)" giai đoạn 2021 - 2025.
Nội dung phong trào thi đua: phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 115/181 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 63,5% (bình quân mỗi năm có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM). Bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 15 tiêu chí, không có xã dưới 10 tiêu chí; xây dựng và công nhận 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân mỗi xã NTM nâng cao trên địa bàn đạt 9 tiêu chí; có 12 xã NTM kiểu mẫu; xây dựng và công nhận mới 30 khu dân cư NTM kiểu mẫu; có thêm 01 huyện đạt chuẩn NTM.
Theo kế hoạch, các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua; tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn...
Được biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 12/8/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2011 - 2020, Phong trào thi đua "Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng NTM" đã được triển khai sâu rộng, trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp. Số xã đạt chuẩn NTM ngày một tăng (tính theo số liệu trước khi sáp nhập xã, đến năm 2020, toàn tỉnh có 74/207 xã đạt chuẩn NTM. Tính theo số liệu sau khi sáp nhập xã, đến năm 2020, toàn tỉnh có 65/181 xã đạt chuẩn NTM). Số tiêu chí NTM bình quân toàn tỉnh đạt 12,7 tiêu chí/xã có 07 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; xây dựng được 30 khu dân cư kiểu mẫu; thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Diện mạo các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM được chú trọng hướng vào phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được quan tâm gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, đã từng bước tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất của người dân khu vực nông thôn.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, thu nhập người dân nông thôn tăng 2,98 lần so với năm 2011; mức độ hưởng thụ về văn hóa, y tế, giáo dục của người dân được nâng lên; xuất hiện nhiều mô hình khu dân cư kiểu mẫu có những nét nổi bật về cảnh quan, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị, an ninh trật tự và quốc phòng ở khu vực nông thôn được giữ vững.
Theo kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 85 xã, bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt từ 14,5 tiêu chí trở lên; xây dựng 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; mỗi huyện, thành phố công nhận từ 2 hoặc 3 khu dân cư kiểu mẫu, 2 vườn mẫu; phấn đấu các xã biên giới đạt bình quân từ 15 đến 15,5 tiêu chí NTM…